Tuần san 

 


 

                                                                                   

TIN VUIFlowchart: Document: Số 
132
13/04/2008

  

 


 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               

 

www.tinvui.org
bantreconggiao@yahoo.com

  

 

 

 


 

MỤC LỤC

SỐNG LỜI CHÚA..

Chúa Nhật IV Phục Sinh A..

CHỦ CHIÊN VÀ CON CHIÊN..

TU ĐỨC..

KHIÊM NHƯỜNG TRONG ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ.

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI.

Đức Thánh Cha viếng thăm Đền tưởng niệm các chứng nhân đức tin.

Tại Liên Hiệp Quốc, Đức thánh cha sẽ đọc diễn từ về Nhân Quyền.

Sứ điệp ĐTC Benedictô XVI gửi nhân dân Hoa Kỳ.

Lòng Bác Ái Dựa Trên Đức Tin Nơi Chúa Kitô.

Một Linh Mục Chính Thống Giáo bị ám sát tại trung tâm thanh phố Irắc.

Phỏng vấn Đức Ông Slawomir Oder, về án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo II.

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI TRONG NGÀY THỨ NĂM TUẦN THÁNH..

THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU..

THÁNH LỄ TIỆC LI.

THÁNH LỄ TẠ ƠN “MỪNG THỌ” ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN NHƠN..

ĐÊM HẠNH NGỘ NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG..

Thư mời họp mặt Ban Tổ chức Năm Thánh 2010.

Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam..

cử hành NĂM THÁNH 2010.

Chính quyền Tỉnh Quảng Trị đã đồng ý trả lại gần hết đất Thánh Địa La Vang cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam  

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO..

VẠ TUYỆT THÔNG TIỀN KẾT DO TỘI PHÁ THAI.

CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LINH MỤC VÀ TU SĨ.

ĐỨC TIN Ở ĐÂU ?.

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN NHÂN LÀNH..

DẤU LẶNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG..

TÀI LIỆU TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN NHA TRANG..

BÀI V..

HIỆP THÔNG LINH MỤC..

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH..

Giáo dục gia đình :

SỰ LẠM DỤNG..

HÔN NHÂN LÀ TRƯỜNG ĐÀO LUYỆN SỰ TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỨC TIN..

ĐỌC SÁCH..

DẤU CHÂN CỦA THẦY..

 

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

Chúa Nhật IV Phục Sinh A

 

Ga 10, 1-10

"Ta là cửa chuồng chiên".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ". Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào". Đó là lời Chúa.

CHỦ CHIÊN VÀ CON CHIÊN

 

Một trong những hình ảnh gây ấn tượng và mãi ghi khắc trong tâm hồn của tôi là hình ảnh Chúa Chiên Lành. Tôi đã thấy hình này trên một bức tranh khá lớn lúc tôi còn nhỏ bé. Tuy nhiên, bức tranh Chúa Chiên Tốt đã làm cho tôi xúc động, đáng yêu và giữ mãi trong tâm trí. Bây giờ lớn lên là linh mục tôi càng cảm thấy hình ảnh Chúa Chiên Lành thật đáng quí, đáng yêu biết bao.

 

CHÚA YÊU CHÚNG TA :

 

Chúa yêu thương nhân loại, yêu thương con người, yêu thương mỗi người chúng ta. Điều kỳ diệu vẫn là Chúa yêu thương chúng ta trước, Chúa đi bước trước đến với chúng ta trái ngược với ý nghĩ chúng ta tưởng mình yêu thương Chúa trước. Chúa yêu thương con người vô điều kiện, yêu thương vô bờ bến. Tình yêu của Ngài đối với chúng ta là tình yêu vô vị lợi, tình yêu tự hiến:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu mến”( Ga 15, 13 ). Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, Người biết chiên của Người và chiên của Người biết Người ( Ga 10, 14 ). Người yêu thương đàn chiên và yêu thương từng con chiên một. Đọc Thánh Vịnh 22 ( 23 ), Thánh Vịnh “ Chúa Chiên Lành “, chúng ta như được ấm áp lên vì Chúa yêu thương chiên của Người, dẫn chiên đến các cánh đồng cỏ xanh tươi và những dòng suối mát trong lành. Chúa hiểu biết đàn chiên và từng nhu cầu của mỗi con chiên. Người biết những gì con người cần cho linh hồn cũng như thể xác của họ. Do đó, con người không sợ sệt, không lo âu, không xao xuyến, con người phải tin tưởng nơi Người. Chúa muốn mỗi người, mọi người chỉ nghe tiếng gọi yêu thương duy nhất của Người, tiếng gọi cứu độ và ơn giải thoát của Người. Chúa luôn yêu cầu con người, mỗi người hãy đặt sinh mạng, cuộc đời của mình trong bàn tay nhân từ của Người, đừng nghe theo bất cứ tiếng gọi nào vì có thể đó là tiếng gọi của tiền tài, danh vọng, tình dục, thế gian và ma quỷ.Chúa nói:” Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”( Ga 10, 10 ). Chúa muốn chiên của Người được sống tràn trề bên dòng suối Lời của Chúa và được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh của Người. Chúa là cửa ràn chiên, Chúa quả quyết Người là Đấng cứu thế đến cứu chuộc mọi người, ai muốn được cứu độ phải đến với Người, tin vào Người và sống theo lời Người dạy.

NGÀY CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI :

 

Hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ. Vâng, Chúa cũng đã đến trong một gia đình có cha có mẹ để dạy cho nhân loại hiểu rằng con người phải phát xuất từ một gia đình trân thế. Chúa đã đến từ trời, từ gia đình của Thiên Chúa ngang qua một gia đình được Thiên Chúa Cha tuyển chọn từ đời đời. Người đã lớn lên, rồi tới giờ Chúa Cha định, Người đã mời gọi các môn đệ, các tông đồ đi theo Người. Chính vì thế, công cuộc cứu chuộc của Người cần được nhiều người cộng tác. Chúa mời gọi có nhiều tâm hồn quảng đại, tự nguyện đi theo Người để góp tay vào công việc cứu thế của Người. Nhân loại và đặc biệt mỗi người chúng ta cần cầu nguyện để cho có nhiều thanh niên nam, nữ dấn thân vô điều kiện, vô vị lợi để phục vụ đàn chiên của Chúa, bởi vì chiên không thể nào thiếu chủ chiên được. Mọi Kitô hữu phải siêng năng cầu nguyện, cổ vũ ơn gọi linh mục và tu sĩ, khích lệ, động viên tinh thần và góp tài chánh để các Chủng Viện, các Đại Chủng Viện, các Nhà Dòng có thêm vật chất để nuôi dưỡng và đào tạo ơn gọi. Đặc biệt các giáo xứ, giáo họ phải nâng đỡ ơn gọi và góp phần vào công việc đào tạo linh mục và tu sĩ cho giáo phận, cho nhà dòng. Giáo xứ, giáo họ và từng gia đình cần gây nên bầu khí đạo đức, đặc biệt từng gia đình cần khơi lên lòng ước ao cho con mình biết dâng mình cho Chúa bằng chính đời sống gương mẫu của gia đình mình. Nhờ đời sống gương mẫu, nhờ sự khuyến khích động viên của từng gia đình, ơn gọi sẽ nẩy sinh từ những gia đình đạo đức và biết cổ vũ ơn gọi. Chúa là cửa Chuồng Chiên và Chuồng Chiên là Giáo Hội, cửa đi vào Hội Thánh là tin vào Chúa Giêsu. Chuồng Chiên cũng là Nước Trời mà cửa chính phải qua cũng là Chúa Giêsu.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho có nhiều thanh niên nam nữ biết dấn thân làm linh mục và trở nên tu sĩ thánh thiện nhiệt thành để nhiều người được nhận biết Chúa là Mục Tử Tốt Lành, là Chuồng Chiên, là Nước Trời. Amen.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Mục lục

 

 

TU ĐỨC

 

KHIÊM NHƯỜNG TRONG ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ

 

Chúa Nhật thứ IV sau Phục sinh được chọn là ngày cầu cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.

 

Khi nói về việc cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ, chúng ta thường hiểu thế này : Xin Chúa thương ban cho Hội Thánh nhiều linh mục và tu sĩ thánh thiện. Nghĩa là chúng ta nghĩ đến lượng và phẩm.

 

Lời cầu trên đây là chính đáng. Rất nhiều nơi thiếu linh mục và tu sĩ. Rất nhiều nơi có số linh mục và tu sĩ tương đối đông, nhưng không phải tất cả số đông đó đều thánh thiện.

 

Ở đây, tôi xin phép giới hạn chia sẻ vào mặt thánh thiện.Trong thánh thiện, tôi để ý đến một nhân đức mà thôi, đó là đức khiêm nhường.

 

Khiêm nhường cũng là lãnh vực rộng lớn. Nên, tôi chỉ xin nói thoáng qua về vài điều, mà thực tế hiện nay thúc bách.

 

1/ Khiêm nhường nhận mình bất xứng với chức quyền được trao

 

Thánh vương Đavít đã rất khiêm nhường khi nói mình chỉ là kẻ ngu si, nhu con vật :

 

Con quá ngu si chẳng hiểu,

trước mặt Ngài, con như thú vật mà thôi

( Tv 72, 22)

 

Còn Đức Mẹ Maria, khi được Chúa chọn, đã cúi đầu nhận mình chỉ là ‘người nữ tỳ của Chúa” ( Lc 1, 38).

 

Trong Kinh Thánh và truyện các thánh có vô vàn gương khiêm nhường trước mọi chức quyền được trao ban.

 

Trên thực tế tại Việt Nam, rất nhiều linh mục và tu sĩ đã theo gương khiêm nhường các thánh để lại và Kinh Thánh đã dạy.

 

Thế nhưng, cũng không thiếu trường hợp khiến những ai có trách nhiệm đào tạo nhân sự của Hội thánh phải cảnh giác.

 

Bởi vì :

 

Đã có những đấu tranh trong lãnh vực chức quyền. Đã có những vận động để được địa vị. Đã có những giới thiệu chính mình như ứng viên xứng đáng của những trọng trách. Đã có những lễ tạ ơn và giới thiệu quá đáng sau khi được chức tước.

 

Trong đạo những trường hớp đó bị coi là xa lạ với tinh thần của Phúc Âm. Tuy hiện nay những trường hợp như thế không nhiều, nhưng nếu không cảnh giác, cứ để chúng tự do phát triển, thí chúng ta có lý do để sợ : Chức vụ linh mục và tu sĩ có thể bị tục hóa. Lúc đó, sẽ thực hiện Lời Chúa phán : “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” ( 1Pr 5, 5). Tình hình như thế  sẽ đưa hội Thánh về đâu ?

 

2. Khiêm nhường khi gặp thử thách

 

Không linh mục, tu sĩ nào mà không bị thử thách là để được thanh luyện. Thử thách là một cách Chúa yêu thương.

 

Có những thử thách đoán trước được. Có những thử thách xảy ra đột ngột.

 

Có những thử thách thuộc thể xác. Có những thử thách thuộc tâm hồn.

 

Có những thử thách hợp lý hợp tình. Có những thử thách bất công vô lý, ngược tình.

 

Thánh vương Đavít đã tả cảnh thử thách bằng những lời bi đát sau :

 

Mạng sống con bị chôn vùi như cát bụi.

Tấm thân này nằm bẹp dưới bùn đen

(Tv 44, 26)

 

Thân sâu bọ, chứ đâu còn là người,

Con bị đời mắng chửi khinh khi,

Thấy con, ai cũng chê cười

Lắc đầu bĩu môi, nói lời mỉa mai” (Tv 22, 7-8).

 

Thử thách nhiều khi rất nặng nề. Cho dù đạo đức chấp nhận, con người vẫn cảm thấy đau đớn, nhọc nhằn.

 

Lúc đó, phải rất khiêm nhường luôn kiên nhẫn. Như lời Chúa Giêsu phán : “Những kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” ( Mt 24, 13).

 

Khiêm nhường cầu nguyện sẽ được Chúa ban ơn kiên nhẫn vượt qua được thử thách. Thường thì những thử thách đó thuộc loại lớn.

 

Thế nhưng, những ai đã có kinh nghiệm trong đời sống linh mục, tu sĩ, sẽ thấy thử thách mà các ngài trải qua thường ngày là rất thường. Như những cám dỗ về tiền bạc, những thiên kiến, những ganh tỵ, những đòi hỏi của xã hội, những áp lực trong nội bộ, nhất là phải vâng lời chu toàn bổn phận hàng ngày.

 

Chính vì những thử thách trên đây thuộc loại bình thường, xảy ra hằng ngày, nên nhiều linh mục tu sĩ không để ý lắm. Do đó mà dễ vấp ngã.

 

Chúa Giêsu dạy :  Phải cầu nguyện và tỉnh thức” ( Mt 26,44).

 

Nhưng thực tế cho thấy: Về lâu về dài, người ta cũng dễ chểnh mảng với cầu nguyện và tỉnh thức. Thành ra, số người vấp ngã khi gặp thử thách lớn thì không nhiều. Nhưng số người đầu hàng trước những thử thách nhỏ lại khá đông.

 

3/ Khiêm nhường trước những biến chuyển của tình hình

 

Đời linh mục, tu sĩ chúng ta là những biến chuyển lịch sử tiếp nối.

 

Lịch sử đời biến chuyển. Lịch sử đạo chuyển biến.

 

Trước những biến chuyển lịch sử đạo đời, tôi vừa phải trung thành với cội nguồn Phúc Âm, vừa phải hiện diện có trách nhiệm với từng chặng đường lịch sử, mà tôi không tránh được.

 

Muốn được như thế, tôi phải cố gắng tìm sống Phúc Âm trong từng chặng đường lịch sử một cách hữu hiệu nhất theo ý Chúa.

 

Đem chân lý đời đời áp dụng vào tình hình cụ thể nơi chốn và thời gian tôi được sai đến, đó là điều không dễ.

 

Sẽ là ngây thơ, nếu tôi chỉ biết có cội nguồn Phúc Âm, mà quên hiện tại lịch sử. Sẽ là phản chứng, nếu tôi chỉ lo một phần hiện tại, mà quên giá trị đời đời của Phúc Âm.

 

Ý thức tầm quan trọng của những biến chuyển trong tình hình, nhiều linh mục tu sĩ đã có những suy nghĩ và hành động sáng suốt, để việc phục vụ cộng đoàn, Hội Thánh và Đất Nước được hữu hiệu theo ý Chúa.Và đó là khiêm nhường trước những biến chuyển của tình hình.

 

ĐGM GB Bùi Tuần

Mục lục

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Đức Thánh Cha viếng thăm Đền tưởng niệm các chứng nhân đức tin

 

Roma -- Chiều 7-4-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã đến viếng Đền kỷ niệm các chứng nhân đức tin thế kỷ 20 và 21. Ngài đề cao các vị tử đạo và mời gọi các tín hữu noi gương các anh hùng đức tin và lòng kiên trì của các vị trong việc phục vụ Tin Mừng.

 

Đền kỷ niệm này được bố trí trong Vương cung thánh đường Thánh Bartolomeo tại đảo Tiberina giữa sông Tevere ở Roma, và được Đức Gioan Phaolô 2 giao cho Cộng đồng thánh Egidio thành lập và bảo quản từ sau năm 2000. Cuộc viếng thăm của ĐTC trùng vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Cộng đồng thánh Egidio, một tổ chức giáo dân hiện có 50 ngàn thành viên chuyên hoạt động bác ái, đại kết, liên tôn và xây dựng hòa bình tại hơn 70 nước trên thế giới.

 

Đến Thánh đường vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, ĐTC viếng Mình Thánh Chúa và cầu nguyện trước hài cốt thánh Bartolomeo và ảnh các vị tử đạo mới, rồi chủ sự buổi phụng vụ Lời Chúa với Cộng đồng thánh Egidio và các tín hữu. Hiện diện trong buổi cầu nguyện đặc biệt có ĐHY Camillo Ruini, Giám quản Roma, 10 Hồng y và 16 GM khác, đặc biệt là Đức Cha Vincenzo Paglia, GM giáo phận Terni là người đã xuất thân từ Cộng đồng thánh Egidio.

 

Thánh đường chỉ có 500 chỗ nên 7.500 người phải tham dự buổi Phụng vụ từ quảng trường bên ngoài qua 4 màn hình khổng lồ và loa phóng thanh. Trong số những người hiện diện có nhiều người di dân, người già, trẻ em, người tàn tật và người du mục.

 

Trong bài giảng, ĐTC đề cao ngọn lửa tình yêu đã thúc đẩy Chúa Kitô đổ máu đào vì chúng ta, nhờ đó chúng ta được thanh đẩy. Cả các vị tử đạo cũng được nâng đỡ bằng ngọn lửa ấy, đã đổ máu đào và được thanh đẩy trong tình yêu: trong tình yêu của Chúa Kitô, các vị đã có khả năng hy sinh mạng sống vì tình yêu”.

 

ĐTC nói thêm rằng:

 

"Khi dừng lại trước 6 bàn thờ nhắc nhớ các tín hữu Kitô đã ngã gục dưới bạo lực độc tài của chế độ cộng sản, Đức quốc xã, những vị bị sát hại tại Mỹ châu, Á châu, Úc châu, tại Tây Ban Nha, Mêhicô, Phi châu, chúng ta hồi tưởng lại bao nhiêu biến cố đau thương trong thế kỷ 20. Bao nhiêu vị đã ngã gục trong lúc thi hành sứ mạng truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Máu đào của các vị pha trộn máu đào của các tín hữu Kitô bản xứ là những người đã được các vị thông truyền đức tin.

 

"Nhiều vị khác, trong thân phận thiểu số, bị sát hại vì người ta oán ghét đức tin. Sau cùng, nhiều vị khác bị sát tế vì không muốn bỏ rơi những người túng thiếu, nghèo khổ và những tín hữu đã được ủy thác cho các vị, bất chấp đe dọa và nguy hiểm. Các vị là những GM, LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân”.

 

ĐTC nêu nhận xét:

 

"Bề ngoài dường như bạo lực, các chế độ độc đoán, bách hại, tàn bạo mù quáng tỏ ra là kẻ mạnh hơn, làm im bặt tiếng nói của các nhân chứng đức tin. Nhưng Chúa Giêsu Phục Sinh soi chiếu chứng tá của các vị tử đạo và chúng ta hiểu ý nghĩa chứng tá của các vị. Trong sự thất bại và tủi nhục của bao nhiêu người chịu đau khổ vì Tin Mừng, có một sức mạnh đang hoạt động mà thế gian không biết: đó là sức mạnh của tình yêu, yếu thế, nhưng chiến thắng cả khi bề ngoài có vẻ là tất bại. Đó chính là sức mạnh thách thức và chiến thắng sự chết”.

 

Sau buổi phụng vụ Lời Chúa trong thánh đường, ĐTC đã tiến ra quảng trường bên ngoài. Ngài chào tham và chúc mừng tất cả các thành viên Cộng đồng thánh Egidio trên thế giới và nói rằng:

 

"Ước gì tấm gương của các vị tử đạo mà chúng ta đã tưởng niệm, tiếp tục hướng dẫn bước đường của anh chị em, để anh chị em trở thành những người bạn đích thực của Thiên Chúa, và của nhân loại. Anh chị em đừng sợ những khó khăn và đau khổ đi kèm hoạt động truyền giáo. Đó chính là điều ở trong ”lô-gíc” của chứng tá can đảm về tình yêu Kitô”.

 

Sau cùng, ĐTC không quên gửi lời chào thăm các tu sĩ dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa và các bệnh nhân cũng như các nhân viên y tế tại Bệnh viện của dòng tại đảo Tiberina.

 

G. Trần Đức Anh, OP

Vatican Radio

Mục lục

 

Tại Liên Hiệp Quốc, Đức thánh cha sẽ đọc diễn từ về Nhân Quyền

 

Vatican (Zenit) -Theo phát ngôn viên của Tòa thánh cho biết, trong cuộc viếng thăm LHQ tại New York, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI dự trù sẽ nói về căn bản của nhân quyền.

 

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh đưa ra các chi tiết về cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng tại văn phòng các tổ chức quốc tế; ngài đã được mời tới nơi đây do vị cựu tổng thư ký LHQ cũng như vị tổng thư ký đương nhiệm.

 

Cuộc viếng thăm LHQ của Đức thánh cha vào buổi sáng ngày thứ Sáu, 18 tháng 4, lâu chừng 3 giờ, sẽ đánh dấu ngày kỷ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.

 

Theo cha Lombardi cho biết: “Điều người ta trông đợi là bài diễn văn sẽ đặt trọng tâm vào các quyền của con người, về căn bản, sự hiệp nhất và tính chất không thể chia cắt [của các quyền này]. Đó là những chủ đề rất gần gũi trái tim của Đức thánh cha Bênêđictô XVI.”

 

Khi từ Washington đến LHQ, Đức giáo hoàng sẽ được chính thức chào mừng và sau đó lên lầu 38 để có cuộc họp riêng với Tổng thư ký Ban Ki-moon.

 

Sau đó ngài sẽ tới sảnh đường đại hội nghị để đọc diễn từ trước một cử tọa khoảng 3000 thính giả, đại diện của 192 quốc gia thành viên LHQ.

 

Tiếp theo, Đức thánh cha sẽ chào mừng đại diện của các phái đoàn, rồi có một cuộc họp riêng với ông chủ tịch, chủ tịch Hội đồng Bảo an, và 60 viên chức LHQ. Trong lúc đó, 3000 thính giả đã nghe Đức giáo hoàng đọc diễn từ sẽ rời sảnh đường để nhường chỗ cho 3000 nhân viên làm việc tại LHQ đi vào nghe Đức thánh cha nói chuyện với họ.

 

Cuối cùng, Đức thánh cha sẽ thăm Thiền Phòng (Meditation Room); nơi đây các vị giáo hoàng tiền nhiệm là Phaolô VI và Gioan Phaolô II đã dừng chân ngồi thinh lặng trong một khoảng thời gian.

 

 

Tòa thánh có quy chế là quan sát viên thường trực tại LHQ.Quy chế này cho Tòa thánh có quyền được tham dự các buổi tranh luận chung của Đại hội đồng LHQ; quyền được phúc đáp, quyền được có các thông tri phát hành và phân phối trực tiếp tới các đại diện như một văn bản chính thức của hội đồng, và quyền được đồng bảo trợ các nghị quyết và quyết định được dự thảo có liên quan đến Tòa thánh.

 

Tại New York, Đức thánh cha sẽ ngụ tại trú sở của Tổng giám mục người Ý Celestino Migliore, là quan sát viên thường trực của Tòa thánh cạnh LHQ.

 

Mục lục

 

 

Sứ điệp ĐTC Benedictô XVI gửi nhân dân Hoa Kỳ

 

VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 sẽ mang sứ điệp Hy Vọng đến Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc trong cuộc viếng thăm từ ngày 15 đến 20-4 tới đây.

 

Trong sứ điệp Video được công bố hôm 8-4-2008, tại Roma và Hoa Kỳ, ĐTC nói: ”Như anh chị em đã biết, tôi chỉ có thể viếng thăm hai thành phố Washington và New York, nhưng ý hướng cuộc viếng thăm của tôi là hướng đến tất cả các tín hữu Công Giáo tại Hoa Kỳ. Đồng thời tôi cũng thành tâm hy vọng sự hiện diện của tôi nơi anh chị em sẽ được coi như một cử chỉ huynh đệ đối với mọi cộng đoàn Giáo Hội, và như một dấu chỉ thân hữu đối với mọi thành phần các truyền thống tôn giáo khác cũng như mọi người thiện chí. Chúa Phục sinh đã ủy thác cho các Tông Đồ và Giáo Hội Tin Mừng yêu thương và an bình của Ngài, và chủ ý của Ngài là làm sao để sứ điệp này được chuyển đến mọi dân tộc”.

 

Sau khi cám ơn tất cả những người đang cộng tác vào việc chuẩn bị và cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài, ĐTC nhắc đến chủ đề cuộc viếng thăm và nói: ”Cùng với các GM của anh chị em, tôi đã chọn chủ đề cuộc viếng thăm của tôi là 3 chữ đơn sơ nhưng thiết yếu ”Christ our hope”, ”Chúa Kitô niềm hy vọng của chúng ta”. Theo vết chân các vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Phaolô 6 và Gioan Phaolô 2, tôi sẽ đến Hoa Kỳ lần đầu tiên trong tư cách là Giáo Hoàng, để công bố sự thật cao cả này: Chúa Kitô là niềm hy vọng của mọi người nam nữ thuộc mọi ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa và hoàn cảnh xã hội. Đúng vậy Chúa Kitô là tôn nhan của Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta. Nhờ Ngài, cuộc sống chúng ta đạt được sung mãn, và cùng nhau, với tư cách cá nhân và dân tộc, chúng ta có thể trở thành một gia đình hiệp nhất nhờ tình yêu thương huynh đệ, theo kế hoạch ngàn đời của Thiên Chúa Cha”. Tôi biết rõ sứ điệp Tin Mừng này ăn rễ sâu nơi đất nước của anh chị em. Tôi đến để chia sẻ sứ điệp ấy với anh chị em, trong một loạt các buổi lễ và gặp gỡ. Tôi cũng sẽ mang sứ điệp Hy vọng Kitô tới đại hội đồng LHQ, tới các đại diện của mọi dân tộc trên thế giới. Thực vậy, thế giới đang cần hy vọng hơn bao giờ hết: hy vọng hòa bình, công lý, tự do, nhưng hy vọng này không bao giờ có thể được mãn nguyện nếu không tuân theo luật của Thiên Chúa, luật mà Chúa Kitô đã cho viên mãn trong giới răn yêu thương lẫn nhau. Hãy làm cho người khác điều mà bạn muốn họ làm cho bạn, và hãy tránh làm điều bản không muốn họ làm cho bạn. ”Khuôn vàng thước ngọc” này được trình bày trong Kinh Thánh, nhưng cũng có giá trị đối với mọi dân tộc, kể cả những người không tín ngưỡng. Đó là luật được ghi khắc trong tâm hồn con người; tất cả chúng ta đều có thể đồng ý về điều đó, đến độ khi chúng ta đề cập tới các vấn đề khác, chúng ta có thể hoạt động một cách tích cực và xây xưng cho toàn thể cộng đoàn nhân loại”.

 

Trong sứ điệp, ĐTC cũng ngỏ lời bằng tiếng Tây Ban Nha, để chào thăm các tín hữu thuộc ngôn ngữ này, và đặc biệt bày tỏ sự gần gũi của ngài với các bạn trẻ, các bệnh nhân, người già và những người đang ở trong tình cảnh khó khăn”.

 

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, các bạn tại Hoa Kỳ quí mến, tôi đang mong được ở cùng anh chị em. Tôi muốn anh chị em biết rằng, tuy lộ trình của tôi ngắn ngủi, chỉ có một số ít sinh hoạt, nhưng tâm hồn tôi gần gũi với tất cả anh chị em, đặc biệt là những người yếu đau và lẻ loi. Một lần nữa tôi cám ơn anh chị em vì lời cầu nguyện nâng đỡ sứ vụ của tôi. Tôi thân ái gởi đến mỗi người trong anh chị em lòng quí mến và khẩn cầu sự phù trợ hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria trên anh chị em”. (SD 8-4-2008)

Mục lục

 

Lòng Bác Ái Dựa Trên Đức Tin Nơi Chúa Kitô

 

VATICAN, 4 tháng 4, 2008 - Đức Thánh Cha Benedict XVI đích thân cảm ơn các thành viên của Hội Tài Trợ Giáo Hoàng về sự yểm trợ của họ giúp cho ngài có thể thực hiện các công trình mục vụ của ngài trong Giáo Hội hòan vũ.

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến các thành viên của hội này ngày hôm nay. Hội tổ chức các cuộc gây quỹ hàng năm để yểm trợ các cộng trình bác ái, các ngân khỏan tài trợ, các dự án và học bổng cho các quốc gia đang mở mang.

 

Đức Thánh Cha cho các thành viên của hội này hay "Chính nguồn nguyên liệu của dịch vụ tình yêu của Giáo Hội (trong khi giáo hội cố gắng giảm thiểu sự đau đớn của người nghèo và yếu đuối) có thể được tìm thấy trong Đức Tin không lay chuyển rằng Chúa Kitô đã thực sự chiến thắng tội lỗi và sự chết; và trong khi phục vụ cho các người anh chị em, giáo hội cũng phục vụ chính Chúa Kitô trong khi chờ đời Người lại đến trong vinh quang."

 

Ngài tiếp, "Các bạn thân mến, tôi rất vui mừng có được cơ hội này để bầy tỏ lòng biết ơn của tôi trước sự yểm trợ quảng đại của Hội Tài Trợ Giáo Hoàng qua các dự án tài trợ và các học bổng, giúp tôi thi hành mục vụ tông đồ của tôi trong Giáo Hội hoàn vũ. Tôi xin các bạn cầu nguyện cho tôi, và tôi cam đoan sẽ cầu nguyện cho các bạn."

 

"Cầu mong cho các công trình tốt đẹp của các bạn tiếp tục tăng trưởng, và đem lại cho các người anh chị em của các bạn niềm hy vọng vững vàng là Chúa Giêsu không bao giờ ngưng đổ tràn sự sống của Người cho chúng ta trong các bí tích để chúng ta có thể cung ứng cho các nhu cầu vật chất và tinh thần cho toàn thể gia đình nhân lọai."

 

Đức Hồng Y John Krol, nguyên là Tổng Giám Mục Hưu Trí của Tổng Giáo phận Philadelphia đã thiết lập Hội Tài Trợ Giáo Hoàng có văn phòng chính tại Hoa Kỳ năm 1990.

Mục lục

 

 

Một Linh Mục Chính Thống Giáo bị ám sát tại trung tâm thanh phố Irắc.

 

Bagdad - Ngày thứ Bảy  (5/4/2008) một Linh mục Chính Thống Giáo bị ám sát bởi những kẻ lạ mặt ngay tại trung tâm thành phố Bagdad, nguồn tin an ninh Irắc cho biết.

 

Những kẻ lạ mặt trang bị vũ khí đi trên xe ôtô và bắn vào vị linh mục khi Ngài ra khỏi nhà, ở trung tâm khu phố Karrad, nguồn tin giấu tên cho biết.

 

Vị linh mục chết do một phát đạn, sự cố xảy ra vào lúc 12 giờ địa phương (09 h00 GMT), sau đó những kẻ sát nhân bỏ trốn.

 

Yousef Adel là linh mục thuộc Giáo Hội Chính Thống, Ngài coi sóc giáo xứ Thánh Phêrô nằm ở khu phố Karada.

 

Người tín hữu Irắc luôn là mục tiêu của bạo lực, bắt cóc, sát nhân, tấn công bằng bom đạn của những kẻ nổi loạn dòng Chiite cũng như dòng Sunni, chống phá các Giáo Hội. Các Kitô hữu ở đây luôn bị họ tố cáo tiếp tay cho “ kẻ xâm lược thập tự chinh”.

Mục lục

 

Phỏng vấn Đức Ông Slawomir Oder, về án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo II

 

Trong các ngày vừa qua nhân dịp kỷ niệm 3 năm Đức Gioan Phaolô II qua đời, trên toàn nước Ba Lan đã có các buổi cử hành tưởng niệm, Thánh Lễ cầu hồn và các buổi canh thức. Đặc biệt là tại Cracovia thành phố của Đức Karol Wojtila, thánh lễ cầu hồn đã do Đức Cha Ian Skodon, Giám Mục Phụ tá giáo phận chủ sự tại nhà thờ hai thánh Pherô

 

Phaolô là ngôi nhà thờ kiểu barocco cổ xưa nhất Cracovia. Trong nhà thờ này từ 3 năm nay, vào mỗi ngày thứ bẩy đầu tháng đều có thánh lễ tưởng niệm Đức Gioan Phaolô II. Tại quảng trường chính của thành phố Cracovia cũng đã có buổi hòa nhạc tưởng niệm Đức Cố Giáo Hoàng. Và lúc 9 giờ tối giới trẻ thành phố đã tham dự buổi canh thức tưởng niệm tại tòa tổng giám mục, ngay dưới bao lơn và ”cửa sổ của Đức Giáo Hoàng”, nơi Đức Gioan Phaolô II ra chào người trẻ và dân chúng mỗi khi ngài về Ba Lan. Buổi canh thức đã được nối trực tiếp qua màn truyền hình với hầm đền thờ thánh Phêrô, nơi Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, hướng dẫn buổi lần hạt Mân Côi trước mộ Đức Gioan Phaolô II.

 

Tại Roma chiều ngày mùng 1-4-2008 đã có buổi lễ giới thiệu cuốn sách ”Một đời với Karol” do Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz viết cùng với nhà báo chuyên viên về các vấn đề Vatican Franco Svidercoschi, ấn bản bỏ túi tiếng Ý. Ấn bản đầu tiên gồm 2 triệu cuốn đã được bán tại 15 quốc gia. Buổi giới thiệu đã diễn ra tại nhà thờ Đức Bà Trastevere với sự tham dự của nhiều Hồng Y và giới chức chính trị văn hóa cũng mhư các nhà báo. Ngoài Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Tổng Trưởng Bộ Giám Mục và Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, còn có ông Carlo Azelio Ciampi, nguyên Tổng Thống Italia, ông Francesco Rutelli, Phó Thủ Tướng và thượng nghị sĩ Giulio Andreotti.

 

Trong số những người phát biểu có Đức Hồng Y tác giả Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, Đức Hồng Y Camillo Ruini, Giám Quản Roma, ông Francesco, nhân viên quét dọn phòng cho Đức Gioan Phaolô II và là người cuối cùng Đức Thánh Cha muốn gặp trước khi qua đời, sử gia Andrea Riccardi sáng lập viên cộng đồng thánh Egidio, cũng như nhà báo Svidercoschi và Đức Ông Slawomir Oder, thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II.

 

Phát biểu trước cử tọa Đức Hồng Y Ruini nêu bật rằng toàn cuộc sống của Đức Cố Giáo Hoàng được hướng tới Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II là con người có khả năng cầu nguyện sâu xa và tỏa rạng sự thánh thiện cùng với sự khôn ngoan và trí thông minh. Đồng thời ngài cũng là người có lòng tin đơn sơ của một em bé và sự vững vàng như đá tảng của lòng tin của dân ngài. Bí quyết của Đức Gioan Phaolô II là sự thống nhất trong cuộc sống, nảy sinh từ tương quan cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài cầu nguyện trước mỗi một cuộc găp gỡ hay quyết định quan trọng. Đức Hồng Y Ruini còn nhớ có lần được Đức Gioan Phaolo II mời dùng bữa trưa, khi Đức Hồng Y đến thì thấy Đức Thánh Cha đang cầu nguyện vì ngài đang đợi một cú điện thoại của Tổng Thống Bush.

 

Lên tiếng trong buổi giới thiệu cuốn sách ”Một đời với Karol” Đức Ông Slawomir Oder cho biết án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II đã làm nổi bật chiều kích đại đồng những lời giảng dậy của người và làm nảy sinh ra nhiều nơi cầu nguyện mang tên Gioan Phaolo II kể cả bên Qatar, Irak, Nga, Marốc và Thụy Điển.

 

Trước đó ngày 31-3-2008 trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng Đức ông Slawomir Oder đã cho biết tập hồ sơ đúc kết ”positio” bán chính thức của án phong chân phước đã được hoàn tất và chuyển tới vị tường trình viên án phong là cha Daniel Ols.

 

Tập hồ sơ này dầy hơn 2.000 trang liên quan tới việc thực hành các nhân đức của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được cha Daniel Ols duyệt lại, trước khi chấp nhận để trở thành tập hồ sơ chính thức chung kết. Sau đó hồ sơ sẽ được gửi tới 9 vị cố vấn của Bộ Phong Thanh cứu xét và cho ý kiến. Nếu hầu hết các ý kiến của các vị cố vấn đều thuận, thì hồ sơ sẽ được đệ trình lên Hội Đồng Hồng Y của Bộ Phong Thánh cứu xét. Nếu được Hội Đồng này chấp thuận, thì Đức Thánh Cha sẽ cho phép công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của vị Tôi Tớ Chúa.

 

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Ông Oder về án phong chân phước cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

 

Hỏi: Thưa Đức Ông, án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II đã tiến hành tới đâu rồi?

Đáp: Trong những ngày vừa qua tôi đã nộp bản thảo hồ sơ đúc kết bán chính thức gọi là ”Positio”. Đây là tập hồ sơ thu góp tất cả các tài liệu, được sắp xếp theo thứ tự có hệ thống, liên quan tới Đức Gioan Phaolô II. Còn có một số khiá cạnh ”kỹ thuật” cần xác định. Cha Daniel Ols, tường trình viên án phong chân phước cạnh Bộ Phong Thánh đã theo dõi việc soạn thảo, sẽ duyệt xét lại và thêm phần trình bày của ngài vào nữa. Sau cùng thì hồ sơ sẽ gồm khoảng 2.500 trang tất cả.

 

Hỏi: Sau đó thì lộ trình án phong sẽ tiếp tục như thế nào thưa Đức Ông?

Đáp: Việc đệ trình tài liệu đúc kết mở ra một chặng mới trong tiến trình án phong chân phước. Đó là việc thừa nhận giá trị của giai đoạn giáo phận của tiến trình án phong chân phước, từ phía Bộ Phong Thánh với việc đệ trình một tài liệu khác, lần này thì liên quan tới phép lạ đã xảy ra nhờ lời chuyển cầu của Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II.

 

Hỏi: Thưa Đức Ông đã có bao nhiêu phép lạ do lời bầu cử của Đức Gioan Phaolo II được báo cáo, và có bao nhiêu phép lạ được đệ trình để Bộ Phong Thánh cứu xét?

Đáp: Trước hết cần phải xác định một điều: đó là chúng tôi không nói tới ”phép lạ”, nhưng nói tới các ”ơn” nhận được và giáo dân cho rằng đó là do lời bầu cử của Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II. Nếu đó có phải là các phép lạ hay không là tùy thuộc Bộ Phong Thánh xác định qua tiến trình án phong chân phước. Chúng tôi đã đặc biệt nhận được 4000-5000 trường hợp các ơn nhận được nhờ lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II. Nhưng chúng tôi đã chỉ đệ trình lên một trường hợp mà mọi người đều đã biết: đó là một nữ tu người Pháp được khỏi bệnh Parkinson nhờ lời cầu cử của Đức Gioan Phaolô II.

 

Hỏi: Thưa Đức Ông, trong giai đoạn điều tra cấp giáo phận, Đức Ông cũng đã nói tới một trường hợp xảy ra tại Trung Quốc. Câu chuyện đã ra sao rồi thưa Đức Ông?

Đáp: Vâng, đúng thế. Người ta có đệ trình một trường hợp xảy ra tại Trung Quốc và xem ra rất là hay. Chúng tôi đã yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ liên quan tới ơn lạ nhận được, nhưng sau đó chúng tôi đã không nhận được câu trả lời nào, vì thế nên trường hợp này đã không được cứu xét sâu hơn.

 

Hỏi: Từ nay trở đi thì Đức Ông sẽ có nhiệm vụ gì, thưa Đức Ông?

Đáp: Cần phải soạn thảo tài liệu liên quan tới phép lạ. Nhưng trong mọi trường hợp vị thỉnh nguyện viên hành động giống như viện biện lý tư pháp, chú ý tới tất cả các khía cạnh của án phong chân phước, kể cả các khía cạnh bàn giấy nữa.

 

Hỏi: Đức Ông có tiên liệu điều gì liên quan tới án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II không?

Đáp: Không thể tiên liệu trước được. Nhưng tôi chỉ có thể lập lại là tôi hy vọng rằng án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II kết thúc sớm hết sức chừng nào có thể, và tôi biết rằng có rất nhiều người trên toàn thế giới cầu nguyện cho án phong chân phước sớm kết thúc.

 

Hỏi: Trong giai đoạn điều tra cấp giáo phận đã có hàng ngàn lá thư từ khắp nơi trên thế giới được gửi tới ủy ban phong thánh ở Roma. Hiện nay tín hữu có còn tiếp tục gửi thư nữa hay không thưa Đức Ông?

Đáp: Chúng tôi nhận được thư mỗi ngày. Dòng sông này đã không ngưng nghỉ trong ba năm qua. Dĩ nhiên tôi không chỉ nói tới các ”ơn” mà tín hữu nhận được do lời cầu bầu của Đức Gioan Phaolô II, rất thường khi các thư kể lại tương quan tín hữu đã có với Đức Gioan Phaolô II, các tâm tình của họ, các kinh nghiệm mà họ đã sống. Chẳng hạn sáng nay tôi cũng đã nhận được một lá thư của một cặp vơ chồng người Ba Lan. Trước đây họ đã viết thư và kể lại thảm cảnh của họ là không có con, nhưng lần này họ báo tin cho tôi biết là họ mới sinh con trai.

(Avvenire 2-4-2008)

Radio Vatican

Mục lục

 

 

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI TRONG NGÀY THỨ NĂM TUẦN THÁNH

 

THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU

 

20 tháng Ba, 2008

 

Anh chị em thân mến, mỗi năm Thánh lễ Truyền Dầu thúc giục chúng ta trở về với tiếng “vâng” đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, tiếng vâng mà chúng ta đã thưa trong ngày lãnh chức linh mục. “Adsum- con đây!”, như tiên tri I-sai-a nói khi ông nghe tiếng Chúa gọi: “Ta sẽ sai ai? Ai sẽ đi cho Ta?”, I-sai đáp lại: “Con đây, xin hãy sai con” (Is 6, 8). Và chính Chúa, qua bàn tay của Đức Giám Mục, đặt tay của Người trên chúng ta để chúng ta hiến thân cho sứ mệnh của Người. Từ đó, chúng ta vượt qua muôn nẻo đường bước theo tiếng gọi của Người. Chúng ta có được như ông Phaolô, người mà sau nhiều năm vất vả phục vụ Tin Mừng, chịu nhiều đau khổ đủ loại, đã viết cho tín hữu Cô-rin-tô: “Bởi thế, vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí” (2 Cr 4, 1)? “Chúng tôi không sờn lòng nản chí.” Hôm nay chúng ta cũng hãy cầu nguyện để lòng nhiệt thành của chúng ta luôn được đốt cháy, để nó luôn được nuôi dưỡng bởi ngọn lửa sống động của Tin Mừng.

 

Thứ Năm Tuần Thánh cũng còn là một dịp để một lần nữa chúng ta tự hỏi: chúng ta nói tiếng “vâng” đáp lại điều gì? “Là linh mục của Chúa Giêsu Kitô” nghĩa là gì? Kinh Nguyện Thánh Thể II, có lẽ được soạn thảo tại Rô-ma trước khi thế kỉ thứ hai kết thúc, diễn tả bản chất của sứ vụ linh mục với những lời mà sách Đệ Nhị Luật (18, 5, 7) cũng đã đề cập đến bản chất của chức tư tế trong Cựu Ước: astare coram te et tibi ministrare (ứng trực và phụng sự Chúa). Có hai chức năng xác định bản chất của chức linh mục thừa tác: trước hết là “đứng trước Chúa.” Theo sách Đệ Nhị Luật, điều này phải được giải thích trong bối cảnh của của sự phân phối của cải thời trước, theo đó, các tư tế không nhận bổng lợi nào của Đất Thánh- họ sống bởi Chúa và cho Chúa. Họ không tham gia vào những công việc độ nhật thường ngày. Công vụ của họ là “ứng trực trước nhan Chúa”- nghĩa là chăm chú nhìn lên Chúa, sống cho Chúa. Tóm lại, cách dụng ngữ trên chỉ định một đời sống đắm chìm trong sự hiện diện của Chúa cùng với một sứ vụ là đại diện cho tha nhân. Cũng như những người canh tác đất đai để nhờ đó tư tế có thể sống còn, thì tư tế phải giữ cho giữ cho thế giới này luôn hướng về Thiên Chúa, chính họ phải hướng lòng lên Người. Nếu những lời này hôm nay được đặt trong Kinh Nguyện Thánh Thể ngay sau phần thánh hiến các lễ vật, nối tiếp đoạn Chúa hiện diện giữa cộng đoàn đang quy tụ để cầu nguyện, thì nó chỉ cho chúng ta thấy việc đứng đó là đứng trước Chúa đang hiện diện, nghĩa là, trước Thánh Thể, trọng tâm của đời sống linh mục. Nhưng dẫu vậy, ý nghĩa này còn mở rộng hơn nữa. Trong bài thánh thi của các giờ kinh Phụng vụ về Mùa Chay dẫn nhập vào giờ kinh sách- giờ kinh mà các đan sĩ thường cầu nguyện với Chúa vào ban đêm, thay cho mọi người- một trong các việc thực hành của Mùa Chay được đưa ra theo cách truyền lệnh: arctius perstemus in custodia- chúng ta hãy nhiệt tâm canh thức. Theo truyền thống đan viện Sy-ri-a, các đan sĩ được mô tả như “những người đứng trên đôi chân của mình”; đứng thẳng chân là cách thể hiện sự canh thức. Điều được coi như là phận vụ riêng của các đan sĩ thì cũng được nhìn nhận một cách hợp lí khi áp dụng cho sứ vụ linh mục, đúng như những lời trong sách Đệ Nhị Luật: linh mục phải là người canh thức. Ngài phải đứng để bảo vệ chống lại những thế lực mạnh mẽ của sự ác. Ngài phải canh giữ cho thế giới này luôn thức tỉnh hướng về Chúa. Ngài phải là người đứng thẳng trên chân mình: cương trực trước mọi dòng thời gian. Chính trực trong sự thật. Trung trực trong lời kết ước thực thi điều thiện. Ứng trực trước nhan Chúa, tự sâu thẳm của tư thế này cũng có nghĩa là nâng mọi người về với Chúa, là Đấng sẽ nâng tất cả mọi người chúng ta lên với Chúa Cha. Đó phải là sự nâng cao chính Người, chính Chúa Kitô, Lời Người, sự thật của Người, tình yêu của Người. Linh mục phải cương trực, không bị dao động, phải sẵn sàng chịu cả những sự xúc phạm vì Chúa, như được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ: họ “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu” (5, 41).

 

Giờ đây chúng ta tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa thứ hai mà Kinh Nguyện Thánh Thể II lấy từ Cựu Ước- “Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa.” Linh mục phải là một người chính trực và tỉnh thức, một người đứng thẳng. Cộng thêm vào những đức tính này nữa là sự phục vụ. Theo bản văn của Cựu ước, từ ngữ này có một ý nghĩa chủ yếu theo nghi thức: vị tư tế phải chịu trách nhiệm về tất cả hành vi thờ phượng đã được Lề Luật quy định. Nhưng việc hành động theo nghi thức này dần dần được xếp loại như việc phục vụ, như một phận vụ phải thi hành, và điều này dẫn giải cho những công việc trên phải được thực hiện tinh thần nào này. Với việc đưa vào cách diễn tả “phục vụ” trong Kinh Nguyện Thánh Thể, ý nghĩa phụng vụ của từ ngữ được thích ứng một cách thức nào đó- để phù hợp với sự mới mẻ của phụng vụ Kitô giáo. Công việc vị linh mục làm trong khi cử hành Thánh Thể là phục vụ, và là việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người. Sự thờ phượng mà Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha là hiến dâng mình cho đến cùng, vì phần rỗi con người. Linh mục phải tự đặt mình vào trong việc thờ phượng này, trong việc phục vụ này. Như thế, cách diễn tả “phục vụ” bao hàm nhiều chiều kích. Chắc chắn điều đầu tiên trong những chiều kích này là việc cử hành đúng đắn phụng vụ và các Bí tích nói chung, được thực hiện với sự tham dự nội tâm. Chúng ta phải học để mỗi ngày hiểu hơn phụng vụ thánh trong tất cả bản chất của nó, học để phát triển sự quen thân sống động với nó, để nó trở thành linh hồn của đời sống thường ngày. Chỉ khi đó chúng ta mới cử hành một cách đúng nghĩa, chính lúc đó mới tỏ hiện tất cả ars celebrandi, nghi thức cử hành. Không được có gì là giả tạo trong nghệ thuật này. Nếu Phụng Vụ là một trách nhiệm chính yếu của linh mục thì điều này cũng có nghĩa là cần phải đặt ra sự ưu tiên dành để học hỏi liên tục, tiếp cận mới và sâu xa hơn cách thế cầu nguyện, trong trường học của Chúa Giêsu Kitô và của các thánh trong mọi thời đại. Bởi vì phụng vụ Kitô giáo, tự bản chất vẫn luôn luôn là một lời loan báo, chúng ta phải là những con người thiết thân với lời Chúa, yêu mến lời Chúa và sống lời Chúa: chỉ khi đó chúng ta mới có thể cắt nghĩa lời Chúa một cách xứng hợp. “Phụng sự Chúa”- việc phục vụ của linh mục cũng có nghĩa là học biết Chúa trong lời của Người, và làm cho tất cả những ai Người đã uỷ thác cho ta được nhận biết Người.

 

Cuối cùng, có hai khía cạnh khác liên quan đến việc phục vụ. Không ai gần cận người chủ của mình hơn người tôi tớ, là kẻ có thể đi vào không gian riêng tư nhất trong đời sống của ông. Theo nghĩa này, “phục vụ” nghĩa là sự gần gũi, nó đòi hỏi sự thân tình. Nhưng sự thân tình này cũng có thể đưa đến một mối nguy: đó là sự tiếp xúc thường xuyên của chúng ta với điều thánh thiêng có thể gây cho chúng ta nhàm chán. Sự kính sợ biến mất. Với ảnh hưởng của thói quen, chúng ta không còn cảm nhận một biến cố cao trọng, mới mẻ, lạ lùng, là chính Người đang hiện diện, chính Người nói với chúng ta, chính Người tự hiến cho chúng ta. Chúng ta phải không ngừng chống lại sự hoá nhàm đối với thực tại ngoại thường này, chống lại sự dửng dưng của con tim, để luôn nhìn lại sự bất xứng của chúng ta và ân huệ đang diễn ra trong việc Người tự giao nộp vào bàn tay của chúng ta theo thể thức này. Phụng sự có nghĩa là gần gũi, nhưng trên hết là sự tuân phục. Người tôi tớ làm theo các mệnh lệnh: “Không phải theo ý con nhưng theo ý Cha” (Lc 22, 42). Với những lời này trên núi Ôliu, Chúa Giêsu dứt khoát đối đầu với tội lỗi, chống lại sự phản loạn của con tim hư hỏng. Tội của Ađam chủ yếu hệ tại việc ông ta đã muốn làm theo ý mình, chứ không theo ý Thiên Chúa. Cám dỗ của nhân loại luôn là muốn hoàn toàn tự lập, muốn chỉ theo ý riêng mình và muốn mãi như thế để được hoàn toàn tự do; chỉ theo sự tự do vô giới hạn như thế con người mới trọn vẹn là mình. Nhưng như vậy, chúng ta đã đặt mình chống lại sự thật. Bởi vì sự thật là chúng ta phải chia sẻ sự tự do của chúng ta với người khác và chúng ta chỉ tự do khi hiệp thông với người khác. Sự tự do được chia sẻ này chỉ có thể trở nên sự tự do đích thực nếu qua việc này chúng ta đi vào ý muốn của Thiên Chúa, chấp nhận những gì cấu thành mức độ của tự do. Sự tự do nền tảng này là một phần của hiện hữu con người, một sự hiện hữu không chỉ thuộc về nó và cho chính nó, càng ngày càng trở nên cụ thể trong linh mục: chúng ta không rao truyền chính chúng ta, nhưng chính Chúa và lời của Người, những gì chúng ta không thể tự ý tưởng tượng ra. Chúng ta chỉ loan truyền lời Chúa Kitô một cách đúng đắn khi thông hiệp với Thân Mình của Người. Sự tuân phục của chúng ta là tin cùng với Giáo Hội, suy nghĩ và nói năng cùng với Giáo Hội, phục vụ cùng với Giáo Hội. Điều này luôn bao hàm lời Chúa Giêsu đã nói với ông Phêrô: ‘Một người khác sẽ dẫn con đến nơi con chẳng muốn’. Được dẫn đến nơi chúng ta chẳng muốn đến là một khía cạnh căn bản của sự phục vụ, và chính điều này làm cho chúng ta được tự do. Được dẫn đi theo cách thế đó, có thể trái với chính tư tưởng và kế hoạch của chúng ta, nhưng chúng ta cảm nhận điều mới mẻ- sự phong phú của tình yêu Thiên Chúa.

 

“Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”: Chúa Giêsu Kitô, vị Linh Tục Tối Cao thật sự của trần gian đã đem đến cho những lời này tính sâu thẳm mà trước đó người ta không thể hình dung được. Người vừa là Con vừa là Chúa, đã muốn trở thành người tôi tớ Thiên Chúa theo lối nhìn của sách tiên tri Isaia đã phác hoạ. Người đã muốn trở thành tôi tớ của tất cả mọi người. Người đã diễn tả tính toàn diện của chức linh mục tối cao trong cử chỉ rửa chân. Với hành vi yêu thương cho đến cùng, Người rửa sạch các bàn chân dơ bẩn; với sự khiêm hạ trong việc phục vụ, Người thanh tẩy chúng ta khỏi căn bệnh tự phụ. Như thế Người làm cho chúng ta có thể trở nên bạn hữu củaThiên Chúa. Người đã bước xuống, và sự đi lên đích thực của con người giờ đây được thực hiện trong việc chúng ta đi lên cùng với Người và tiến đến với Người. Sự nâng lên của Người là Thánh Giá. Đây là sự tự hạ sâu thẳm nhất, và, cũng như tình yêu được đẩy đến cực độ, thì đồng thời đó cũng là đỉnh cao của sự đi lên, của việc “nâng cao” con người. “Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”- điều này giờ đây có nghĩa là bước vào lời mời gọi của Người như người tôi tớ của Thiên Chúa. Như vậy, Bí tích Thánh Thể như là sự hiện thực của việc bước xuống và nâng lên của Chúa Kitô, sẽ vượt ra ngoài chính nó để quy về nhiều cách thức phục vụ bằng tình yêu thương người đồng loại. Ngày hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để có thể một lần nữa thốt lên tiếng “vâng” theo nghĩa đó để đáp lại lời mời gọi của Người: “Con đây. Lạy Chúa xin hãy sai con” (x. Is 6, 8). Amen.

 

THÁNH LỄ TIỆC LI

20 tháng Ba, 2008

 

Anh chị em thân mến, Thánh Gioan bắt đầu bản tường thuật về cách Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Người, với ngôn ngữ thật long trọng và mang đặc tính phụng vụ: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (13, 1). “Giờ” của Chúa Giêsu đã đến, giờ mà tất cả hoạt động của Người hướng đến từ ban đầu. Thánh Gioan diễn tả những gì làm nên nội dung của giờ này bằng hai từ ngữ: “cởi bỏ” (metabainein, metabasis) và “agape”- tình yêu. Hai từ này giải thích cho nhau; cả hai cùng diễn tả cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu: thập giá và sự phục sinh, nhục hình chịu đóng đinh như là sự dương lên cao, như “cuộc vượt qua” cho vinh quang của Thiên Chúa, như một sự “thoát bỏ” khỏi thế gian để về với Chúa Cha. Không phải Chúa Giêsu chỉ ra đi và trở lại với Chúa Cha như sau một chuyến viếng thăm ngắn ngủi ở trần gian. Sự vượt qua này là một cuộc biến đổi. Người mang theo thân xác của Người, hiện hữu nhân tính của Người. Khi tự hiến trên Thánh Giá, Người được tan hoà và biến đổi theo một cách thế hiện diện mới, để Người ở mãi với Chúa Cha và đồng thời ở với loài người. Người biến đổi Thánh Giá, là hành động giết chóc, thành một hành vi tự hiến, hành vi yêu thương cho đến cùng. Với cách diễn đạt này, “cho đến cùng,” Thánh Gioan gợi ý trước cho những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh Giá: tất cả đi đến câu kết thúc, “Thế là đã hoàn tất” (19, 30). Qua tình yêu của người, Thánh Giá trở nên “metabasis,” biến đổi con người thành con người dự phần vào vinh quang của Thiên Chúa. Trong cuộc biến đổi này, Người ôm trọn tất cả chúng ta, đưa dẫn chúng ta đi vào quyền năng biến đổi của tình yêu Người, tới một mức độ là hiện hữu của chúng ta kết hợp với người, cuộc đời chúng ta trở nên một “cuộc vượt qua,” một cuộc biến đổi. Chúng ta đón nhận ơn cứu chuộc là như thế- trở nên những người dự phần vào tình yêu vĩnh cửu, một điều kiện mà tất cả cuộc đời chúng ta nỗ lực hướng tới.

 

Tiến trình cốt yếu trong giờ của Chúa Giêsu được thể hiện trong việc rửa chân, một hành vi tiên tri mang tính biểu tượng. Trong đó, Chúa Giêsu diễn tả thành một hành động cụ thể, điều mà bài ca giàu tính Kitô học của thư gửi tín hữu Phi-lip-phê trình bày như nội dung mầu nhiệm Chúa Kitô. Chúa Giêsu cởi bỏ áo ngoài của vinh quang, Người thắt vào chính Người “tấm khăn” của nhân loại, và trở nên một nô lệ. Người rửa những bàn chân dơ bẩn của các môn đệ và như vậy Người ban cho họ được thông phần vào bữa tiệc thần linh mà người mời họ đến dự. Tắm rửa bên ngoài để thờ phượng chỉ tẩy rửa con người theo nghi lễ, nhưng vẫn để con người nguyên như cũ, đã được thay thế bằng phép tẩy rửa mới: Người làm cho chúng ta nên thanh sạch qua lời và tình yêu của Người, qua ân sủng là chính Người. “Các con đã đựơc cắt tỉa nhờ lời Thầy nói với các con,” Người nói với các môn đệ trong diễn từ về cây nho (Ga 15, 3). Người lại tiếp tục rửa chân cho chúng ta bằng chính lời của Người. Vâng, nếu chúng ta đón nhận lời Chúa Giêsu bằng thái độ suy niệm, cầu nguyện và đức tin, những lời đó sẽ phát tỏa năng lực thanh tẩy trong chúng ta. Ngày nối tiếp ngày, chúng ta như bị phủ lấp bởi nhiều loại ô uế khác nhau, những lời nói rỗng tuếch, những thành kiến, những kiểu khôn ngoan vụn vặt, trí trá; nhiều hình thức giả dối che đậy hoặc công khai tiếp tục thấm sâu vào nội tâm của chúng ta. Tất cả những điều này làm mờ tối và ô uế tâm hồn chúng ta, gây nguy cơ làm cho chúng ta không thể đón nhận sự thật và sự thiện. Nếu chúng ta đón nhận những lời của Chúa Giêsu với một tâm hồn chăm chú thì những lời này tỏ rõ như là những cuộc tẩy rửa đích thực, thanh tẩy tâm hồn, thanh tẩy con người bên trong. Đây chính là điều mà Tin Mừng về việc rửa chân mời gọi chúng ta: hãy để cho mình luôn được rửa lại bằng nguồn nước tinh tuyền này, hãy để cho mình được biến thành mối hiệp thông thân tình với Chúa và anh em của chúng ta. Tuy nhiên, từ cạnh sườn của Chúa Giêsu, sau khi bị người lính đâm thâu, trào vọt ra không chỉ có nước mà còn cả máu nữa (Ga 19, 34; x.1 Ga 5, 6, 8). Chúa Giêsu không chỉ nói, Người không chỉ để lại cho chúng ta lời nói. Người tận hiến. Người rửa sạch chúng ta bằng sức mạnh chí thánh là máu Người, nghĩa là trao hiến “cho đến cùng,” cho đến đón nhận Thánh Giá. Lời của Người còn hơn là văn tự đơn thuần; đó là thịt và máu “cho sự sống trần gian” (Ga 6, 51). Trong bí tích Thánh Thể, Chúa lại quỳ gối trước đôi bàn chân của chúng ta và rửa sạch chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Người để sự tẩy sạch thánh thiện bằng tình yêu của Người được thấm sâu vào trong chúng ta hơn nữa, hầu chúng ta được thanh tẩy thực sự.

 

Nếu chúng ta chăm chú lắng nghe Tin Mừng, chúng ta có thể khám phá hai khía cạnh trong đoạn nói về rửa chân. Việc rửa chân mà Chúa Giêsu thực hiện cho các môn đệ Người trước hết chính là hành động của Người- ơn thanh tẩy, để “có thể đón nhận Chúa” được ban cho họ. Nhưng ơn huệ đó còn trở nên một kiểu mẫu, một phận vụ để cũng làm như vậy đối với nhau. Các Giáo phụ giải thích khía cạnh hai mặt của việc rửa chân bằng những từ ngữ “sacramentum” (bí tích) và “exemplum” (gương mẫu). Trong bối cảnh này, “sacramentum” không chỉ về một trong bảy bí tích, nhưng chỉ về mầu nhiệm Chúa Kitô trong toàn thể, từ nhập thể đến thập giá và sống lại: tính toàn thể này trở thành quyền năng chữa lành và thánh hoá, quyền năng biến đổi cho con người, nó trở nên “metabasis” của chúng ta, sự biến đổi giúp chúng ta bước vào một hình thức hiện hữu mới, hướng mở về Thiên Chúa và hiệp thông với Người. Nhưng cách hiện hữu mới này, không do công trạng của chúng ta, Người chỉ ban cho chúng ta để nó được biến thành động năng cho một đời sống mới trong chúng ta. Tính toàn thể của ơn ban và gương mẫu mà chúng ta tìm thấy trong đoạn nói về việc rửa chân là đặc trưng cho bản chất của Kitô giáo nói chung. So với chủ thuyết luân lí, Kitô giáo còn vượt xa hơn và khác biệt hơn. Hoạt động của chúng ta, nội dung luân lí của chúng ta không được đặt ra từ buổi đầu. Kitô giáo trước hết là một ơn ban: Thiên Chúa hiến thân cho chúng ta- Người không ban cho chúng ta một điều gì đó, nhưng ban chính mình Người. Và điều này không chỉ xảy ra vào lúc đầu, vào lúc chúng ta hoán cải mà thôi. Người vẫn còn là Đấng trao ban. Người luôn ban cho chúng ta những ân huệ mới. Người luôn đi trước chúng ta. Vì lí do đó mà việc cử hành trung tâm của Kitô hữu là Bí tích Thánh Thể: biết ơn vì đã được thoả mãn, hân hoan vì sự sống mới mà Người trao ban.

 

Mặc dù là như thế, chúng ta không thể mãi là những người đón nhận thụ động những điều thiện hảo của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta như những đối tác cá nhân và sống động. Tình yêu được trao ban là động năng của việc “yêu thương nhau,” nhằm hướng đến một sự sống mới trong chúng ta, xuất phát từ Thiên Chúa. Như thế chúng ta hiểu những lời mà ở phần cuối trình thuật rửa chân, Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người và với tất cả chúng ta: “Thầy ban cho các con một giới răn mới: Hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng phải yêu thương nhau” (Ga 13, 34). “Giới răn mới” không hệ tại một tiêu chuẩn mới và khó khăn, một điều đã không hiện hữu trước đó. Giới răn mới hệ tại việc yêu thương nhau với Người, Đấng đã yêu chúng ta trước. Đây cũng là cách chúng ta phải hiểu Bài Giảng Trên Núi. Điều này không có nghĩa là vào thời đó Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta những nguyên tắc mới, tượng trưng cho những đòi hỏi của một thuyết nhân bản cao hơn với thuyết trước đây. Bài Giảng Trên Núi là một hành trình rèn luyện để nên đồng hình đồng dạng với những tâm tình của Chúa Kitô (x. Pl 2, 5), một hành trình thanh tẩy nội tâm hướng chúng ta đến việc cùng với Người sống chung với nhau. Thực tại mới là ân huệ dẫn chúng ta đi vào tâm thức của Chúa Kitô. Nếu nhìn nhận điều này chúng ta sẽ nhận ra đời sống chúng ta còn cách xa biết bao với thực tại mới này của Tân Ước; việc làm gương sống yêu thương, hiệp thông với tình yêu của Người mà chúng ta gửi đến cho nhân loại còn nhỏ bé biết bao. Như vậy chúng ta mắc nợ nhân loại một bằng chứng về tính khả tín của sự thật Kitô giáo, được thể hiện trong tình yêu. Chính vì lý do này chúng ta ước muốn cầu nguyện với Chúa nhiều hơn để làm cho chúng ta qua sự thanh tẩy của Người, được thành tín hơn trong giới răn mới.

 

Trong Tin Mừng về việc rửa chân, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô lại trình bày một chi tiết khác nữa về việc thực hành đời sống Kitô giáo, mà kết cuộc chúng ta cần phải chú tâm. Vào lúc trước đó, ông Phêrô đã không muốn cho Chúa rửa chân cho mình: việc đảo lộn trật tự này, nghĩa là vị Thầy, Chúa Giêsu phải rửa chân, nghĩa là vị Thầy phải thực hiện việc phục vụ của một kẻ nô lệ, lại hoàn toàn tương phản với việc tôn kính của ông dành cho Chúa Giêsu, theo quan niệm của ông về mối tương quan giữa Thầy và môn đệ. “Thầy sẽ chẳng bao giờ rửa chân cho con,” ông nói với Chúa Giêsu một cách bộc trực thông thường (Ga 13, 8). Đây cũng là chính tâm thức mà sau lần tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa ở Xê-da-rê-a Phi-lip-phê, đã thúc đẩy Phêrô chống lại Chúa Giêsu khi Người báo trước sự thương khó và thập giá của Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy,” ông Phêrô tuyên bố một cách rõ ràng, dứt khoát (Mt 16, 22). Quan niệm của ông về Đấng Mêsia bao gồm một hình ảnh uy nghiêm, một vẻ cao trọng thần linh. Ông cần phải luôn luôn học biết rằng sự cao trọng của Thiên Chúa khác với quan niệm của chúng ta về sự cao cả; điều này hệ tại sự đi xuống, trong sự khiêm tốn phục vụ, trong sự triệt để của tình yêu đến mức hoàn toàn tự hiến. Và cả chúng ta cũng phải luôn học lại điều này, bởi vì chúng ta ước muốn một cách hệ thống vị Thiên Chúa của thành công, chứ không phải của Khổ Nạn; bởi vì chúng ta không thể hiểu được rằng vị Mục Tử đến như một Con Chiên tự hiến, và chính nhờ vậy dẫn chúng ta đến đồng cỏ đích thực.

Khi Chúa nói với ông Phêrô rằng nếu không rửa chân ông sẽ chẳng bao giờ được dự phần với Người, ông Phêrô mau mắn và mạnh mẽ yêu cầu được rửa đầu và tay nữa. Điều này được nối tiếp theo những lời sâu nhiệm của Chúa Giêsu: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa chân nữa” (Ga 13, 10). Chúa Giêsu ám chỉ một sự tắm rửa mà các môn đệ, theo chỉ thị của nghi thức, đã phải thực hiện; để có thể dự một bữa ăn, họ chỉ cần rửa chân. Nhưng dĩ nhiên, một ý nghĩa sâu xa hơn được giữ kín ở đây. Nó ám chỉ điều gì? Chúng ta không biết chắc chắn. Dù sao, chúng ta phải ghi nhớ rằng việc rửa chân, theo ý nghĩa của toàn chương, không chỉ thị một bí tích đặc biệt, nhưng là “sacramentum Christi” (Bí tích của Chúa Kitô) trong toàn thể của nó – sự phục vụ ơn cứu độ của Người, sự hạ mình đến chấp nhận thập giá, tình yêu của Người cho đến cùng, thanh tẩy chúng ta và làm cho chúng ta có thể đón nhận Thiên Chúa. Ở đây, sự phân biệt giữa tắm và rửa chân cũng thể hiện một sự ám chỉ cho đời sống trong cộng đoàn của các môn đệ, cho đời sống trong cộng đoàn Giáo Hội – một sự ám chỉ mà thánh Gioan có lẽ đã chủ ý truyền đạt cho cộng đoàn trong thời của ngài. Vì vậy, dường như điều rõ ràng là việc tắm rửa thanh tẩy chúng ta một cách dứt khoát và không cần phải lặp lại, đó là Bí tích Thánh Tẩy – sự nhận chìm trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, một sự kiện biến đổi đời sống chúng ta một cách sâu xa, ban cho chúng ta một điều gì đó như là một căn tính mới mẻ kéo dài, nếu chúng ta không quẳng ném nó đi như Giuđa đã làm. Nhưng dù duy trì lâu dài trong căn tính mới này, chúng ta cần phải “rửa chân” để sống hiệp thông với Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là gì? Theo tôi dường như Thư thứ nhất của thánh Gioan cho chúng ta chìa khoá để hiểu điều này. Trong đó chúng ta đọc thấy: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1, 8tt). Chúng ta cần “rửa chân,” rửa mọi tội lỗi hằng ngày, và do đó chúng ta cần thú nhận tội lỗi. Chúng ta không biết chắc điều này đã được thực hiện trong cộng đoàn của thánh Gioan như thế nào. Nhưng sự hướng dẫn qua lời Chúa Giêsu chỉ cho Phêrô thật rõ ràng: để có thể dự phần vào cộng đoàn thân tình với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải thành tâm. Chúng ta phải nhìn nhận rằng dầu với căn tính là những người đã được chịu phép rửa tội, chúng ta vẫn phạm tội. Chúng ta cần sự thú nhận như điều đã được thực hiện trong Bí tích Hoà Giải. Trong đó, Chúa tiếp tục lại rửa những bàn chân dơ bẩn của chúng ta, và chúng ta có thể đồng bàn với Người.

 

Nhưng hiểu theo cách đó, từ ngữ lại mang một ý nghĩa khác nữa, trong đó Chúa mở rộng từ “sacramentum” (bí tích) bằng việc làm cho nó trở thành “exemplum” (gương mẫu), một ân huệ, một sự phục vụ anh chị em chúng ta: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Chúng ta phải rửa chân cho nhau trong sự phục vụ yêu thương đối với nhau hằng ngày. Nhưng chúng ta cũng phải rửa chân của chúng ta theo nghĩa là phải luôn tha thứ cho nhau. Món nợ mà Chúa đã tha cho chúng ta luôn quá sức lớn so với tất cả những món nợ mà những người khác có thể nợ chúng ta (x. Mt 18, 21-35). Chính vì điều này mà ngày Thứ Năm Tuần Thánh thúc đẩy chúng ta: đừng để cho hận thù sâu kín trong lòng chúng ta đối với người khác trở nên chất đầu độc tâm hồn chúng ta. Nó cũng thúc đẩy chúng ta thường xuyên thanh tẩy ký ức của chúng ta, bằng việc hết lòng tha thứ cho nhau, bằng việc rửa chân cho nhau, như thế chúng ta có thể cùng đồng bàn trong bữa tiệc của Thiên Chúa.

 

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh là một ngày biết ơn và hân hoan vì hồng ân trọng đại của tình yêu triệt để mà Chúa đã ban cho chúng ta. Giờ phút này chúng ta muốn cầu nguyện để lòng biết ơn và sự hân hoan này, với tình yêu của Người có thể trở nên trong chúng ta sức mạnh để yêu thương nhau. Amen.

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung, chuyển ngữ

Mục lục

 

THÁNH LỄ TẠ ƠN “MỪNG THỌ” ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN NHƠN

(01.4.1938 – 2008)

 Trong bầu khí hân hoan và vui mừng, Gia đình Giáo phận Đàlạt xum họp mừng thọ người cha kính yêu của Giáo phận trong Thánh lễ Tạ ơn lúc 17 giờ 15 chiều ngày thứ ba, 01.4.2008. Có người con nào lại không vui trong ngày lễ của cha mình, có người con nào không muốn hiện diện trong ngày lễ này. Gần 100 linh mục, các cộng đoàn tu sĩ và bà con giáo dân như muốn thay mặt cho cả Giáo phận để chúc mừng, tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho Đức Cha Phêrô.

Là vị Giám mục thứ ba của Giáo phận, nhưng đây là lần đầu tiên Giáo phận mới có dịp mừng thọ đặc biệt này. Đức Cha Cố Simon Hòa qua đời năm 67 tuổi ; Đức Cha Cố Batôlômêô rời Giáo phận năm 63 tuổi. Cũng đặc biệt khi biết rằng Đức Cha Phêrô sinh ra, lớn lên và sống ơn gọi của ngài ngay tại Đàlạt để phục vụ những con người nơi đây. Là chủng sinh đầu tiên, là linh mục đầu tiên, là Giám mục đầu tiên xuất thân từ Đàlạt, có thể nói Ngài thật sự là người con của vùng cao nguyên.

Trong lời đầu lễ, Đức Cha cám ơn Cha Tổng Đại diện, quý Cha, các cộng đoàn tu sĩ và bà con giáo dân đã hiện diện trong Thánh lễ tạ ơn này và cầu nguyện cho ngài. Đức Cha mời gọi mọi người hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì muôn vàn hồng ân Ngài đã thương ban cho Giáo hội, cho Giáo phận, cho từng giáo xứ, từng cộng đoàn, từng gia đình và cho mỗi người.

Trong bài giảng lễ, với hình ảnh cây nho và ngành nho, Đức Cha chia sẻ :

 “Hội nghị lần thứ I năm 2008 của HĐGM Việt Nam trong tuần qua (từ 25-28/3/2008 tại Bãi Dâu) đã dành nhiều thời gian trao đổi để chuẩn bị và mừng 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 2010. Trong suốt kỳ họp này, tôi cũng suy nghĩ nhiều về ngày lễ Kim khánh của Giáo phận chúng ta trùng với ngày Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam (24/11/1960 – 2010).

Nhưng qua bài Phúc âm hôm nay (Ga 15,9-17), hướng tới ngày lễ Kim khánh Giáo phận, tôi thấy không cần băn khoăn và tìm đâu xa những việc phải làm để mang lại lợi ích thiêng liêng. Vườn nho Thiên Chúa đã chuẩn bị, cây nho Thiên Chúa đã trồng, thợ làm vườn nho Thiên Chúa sai đến… tất cả những điều đó liên hệ trực tiếp đến Hội Thánh, đến chúng ta.

Khi nghĩ đến Hội Thánh, đến Giáo hội Việt Nam, đến Giáo phận, tất cả đều không nằm ngoài chương trình yêu thương của Thiên Chúa. Mỗi người được gửi đến vườn nho để góp phần xây dựng, nhưng chỉ có thể góp phần mình nếu chúng ta được gắn chặt vào với Đức Kitô, được liên kết trực tiếp với Ngài để đón nhận từ nơi Ngài sự sống, nhựa sống. Trong Hội Thánh, có rất nhiều phương cách để Chúa thông ban sức sống cho chúng ta : Lời Chúa, Mình Máu Thánh Chúa, các Bí tích, các giới răn, các nghi lễ phụng tự và nhiều điều khác. Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, yêu hết mực và muốn rằng tình yêu thương đó mang lại kết quả ; yêu thương nhưng Ngài không hề ép buộc chúng ta phải đón nhận, Ngài chỉ mời gọi : “hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” như chính Ngài đã ở lại trong tình thương của Chúa Cha. “Như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Ngài”. Cũng vậy, muốn ở lại trong tình thương của Ngài hãy tuân giữ lời Ngài, mang lời Ngài để thực hiện trong đời sống của mình.

Tuân giữ lời Chúa trước hết là yêu thương anh em : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Việc cần làm trong ngày hội của Giáo phận Đàlạt, của Giáo hội Việt nam, trước tiên là phải khơi dậy lòng yêu thương, yêu thương mọi người, yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu”. Điều gì muốn người khác làm cho mình thì hãy làm điều đó cho họ ; điều gì muốn người khác nhìn về mình thì cũng hãy nhìn họ như vậy.

Xét cho cùng ở cuộc đời này, không có gì lớn lao bằng tình yêu thương. Tình thương của Thiên Chúa mà chúng ta luôn chiêm ngưỡng qua Mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh. Tình thương ấy chúng ta đón nhận được khi sống trong Hội Thánh, đón nhận được sự tha thứ qua Bí tích Hòa giải, đón nhận được sự sống qua Bí tích Thánh thể. Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn sàng trao ban tất cả tình thương cho chúng ta.

Vì vậy, nếu suy nghĩ về một cơ hội để có thể sống kết hiệp mật thiết với Chúa, hãy thể hiện lòng thương yêu như Ngài.

Trong bài thánh thư (2Cr 4,1-2.5-7), Thánh Phaolô biểu lộ tình yêu thương anh em qua việc chia sẻ niềm tin, chia sẻ chân lý mà Ngài đón nhận được từ nơi Thiên Chúa. Hãy chia sẻ mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh cho anh em của chúng ta. Yêu thương là đem Chúa đến cho mọi người, cách riêng cho người nghèo khổ, thiếu thốn, đau khổ, tội lỗi, cô đơn.

Chúng ta được mời gọi sống với người khác, cư xử với người khác như anh em của mình. Đôi khi chúng ta nghĩ mình không có gì để chia sẻ, hãy như thánh Phêrô khi gặp người bất toại ở Đền thờ : chia sẻ chính Đức Kitô. Dù là ai và dù làm gì, phải nhớ chúng ta là Kitô hữu, là người có Đức Kitô, người mang tên Đức Kitô. Hãy chia sẻ vinh dự, niềm vui và niềm tin đó cho anh chị em của mình. Đức tin là kho tàng mà thánh Phaolô nói : “Chúng tôi chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành…”, vì vậy hãy luôn biết gìn giữ đức tin của mình, biết sống, biết cầu nguyện và làm đức tin tăng trưởng bằng cách chia sẻ đức tin cho anh chị em của chúng ta.

Hãy tin tưởng vào Mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh mà chúng ta cử hành, Mầu nhiệm này được tái diễn ngay trên Bàn Tiệc Thánh, một lần nữa, Đức Kitô lại ở giữa chúng ta như của lễ dâng hiến, Ngài mời gọi chúng ta tham dự để cũng trở nên của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Đó là cách thức biểu lộ niềm tin và tình yêu của chúng ta đối với Chúa, đó là cách thức biểu lộ sự gắn bó, sự liên kết như cành nho gắn liền với thân nho để mang lại nhiều hoa quả.

Xin Chúa cho chúng ta luôn tin tưởng vì biết rằng mình được yêu thương, được tha thứ, và chính chúng ta cũng phải biết yêu thương, phục vụ và tha thứ cho anh em”.

Sau Thánh lễ, Cha Tổng Đại diện Phaolô nói lên tâm tình của những người con dâng lên Đức Cha :

“Trọng kính Đức Cha,

Ngày 16.4.2007, toàn thể Giáo Hội đã hiệp lời cầu nguyện đặc biệt cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong ngày mừng thượng thọ 80 tuổi của Ngài tại Roma.

Hôm nay, ngày 01.4.2008, tại đây, Giáo Phận Đàlạt được cùng Đức Cha dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Chúa đã thương ban cho Đức Cha 70 tuổi trọn.

Sách Khôn Ngoan đã nói lên ý nghĩa rất sâu xa của tuổi này : “Tuổi già đáng kính trọng, không phải vì trường thọ, cũng không phải vì cao niên, nhưng vì người đầu bạc thì khôn ngoan, và tuổi già là một cuộc đời trong sạch. Người tuổi già thì đẹp lòng Chúa, đuợc Chúa yêu dấu” (4,8-9).

Vâng, niềm vui hôm nay vượt quá sự riêng tư của Đức Cha và gia đình huyết tộc để lan tỏa đến toàn thể Giáo Phận là gia đình thiêng liêng của Đức Cha, vì suốt 70 năm qua, Đức Cha đã sống trong Giáo Phận Đàlạt trên miền cao nguyên xanh mát, đầy huơng sắc của các loài hoa rực rỡ muôn mầu này. Đức Cha đã gắn kết chặt chẽ với sự sống của gia đình Giáo Phận. Đó là lý do tại sao toàn thể gia đình Giáo Phận hân hoan vì ngày lễ mừng thọ của Đức Cha hôm nay.

Chúng con cám ơn Đức Cha đã muốn ngày lễ mừng thọ này thật đơn sơ và đạo đức vì theo Đức Cha thì trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố cuộc sống : “Chúa phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (x. Ga 3,30). Đức Cha dường như muốn chúng con hiểu rằng mừng thọ là nhớ lại sự nhỏ bé của ngày mới sinh mà ghi tạc Lời Chúa đã dạy : “Nếu các ngươi muốn vào Nước Trời thì phải trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18,3) và “Ai làm lớn trong các ngươi thì phải trở nên người đầy tớ phục vụ các ngươi” (Mt 20,26).

Chúng con cũng xin vui mừng với Cha Quản Xứ An Bình, Cha Quản xứ Kala mừng thọ hôm nay cùng với Đức Cha.

Sau cùng chúng con nguyện xin Thiên Chúa ban dồi dào ân phúc hồn xác trên Đức Cha và hai Cha trong những năm tháng sắp tới, để Đức Cha làm trọn sứ mạng Mục Tử trong Giáo Phận thân yêu này, và để hai Cha tiếp tục phục vụ Dân Chúa trong nhiệt tình và hạnh phúc.

Chúng con xin kính dâng lên Đức Cha và hai Cha những bông hoa tươi thắm biểu lộ lòng mến yêu của toàn thể gia đình Giáo Phận”.

Ngỏ lời với cộng đoàn, một lần nữa Đức Cha cám ơn và xúc động bày tỏ :

“Tôi chân thành cám ơn những tâm tình mà Cha Tổng đại diện thay mặt cộng đoàn gửi đến cho chúng tôi. Ngài đã thể hiện ước muốn sâu xa của chúng tôi là được cùng anh chị em dâng Thánh lễ tạ ơn trong tinh thần đơn sơ nhưng chắc chắn rất sốt sắng. Chúng tôi hiện diện và phục vụ Giáo phận nhờ sự cộng tác rất đắc lực của các cha. Tôi chẳng còn gia đình, dịp lễ này không một người thân, nhưng điều tôi đã nói từ lâu : các cha là gia đình của tôi, nên sự hiện diện rất đông của các cha hôm nay là niềm vui và là sự an ủi rất lớn cho chúng tôi. Xin cám ơn các cha.

Với các tu sĩ nam nữ và chủng sinh, chúng tôi luôn trân trọng sự hiện diện và công việc của anh chị em trong Giáo phận này. Với 130 cộng đoàn, tôi nghĩ rằng con số đó đủ để nói lên sự nhiệt tình của anh chị em trong việc tông đồ và truyền giáo trên mọi phần đất của Giáo phận, mỗi lần có dịp lễ liên hệ đến Giáo phận là cơ hội tôi nghĩ đến anh chị em với lòng biết ơn.

Anh chị em giáo dân rất thân mến, anh chị em biết linh mục và tu sĩ chúng tôi hiện diện là vì anh chị em, phục vụ anh chị em, phục vụ với lòng biết ơn vì sự đóng góp rất nhiệt tình của anh chị em cho Giáo phận, Giáo xứ và các cộng đoàn tu sĩ. Hơn bao giờ hết, chúng tôi rất cần những lời cầu nguyện của anh chị em, chắc chắn những lời cầu nguyện này luôn được Chúa đón nhận. Xin Chúa trả công bội hậu cho hết mọi người”.

Dịp lễ này một lần nữa cho thấy mối tương quan thắm thiết của gia đình Giáo phận Đàlạt trong đại gia đình Giáo hội Việt nam và Giáo hội toàn cầu. Ước mong rằng tình thương này được lan tỏa mạnh mẽ đến khắp nơi và cho mọi người

 

Giáo phận Đà Lạt

Mục lục

ĐÊM HẠNH NGỘ NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG

 

Tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận đêm 2.4 vừa qua đã diễn ra một đêm văn nghệ rộn ràng tươi vui của giới nghệ sĩ Công giáo thành phố mừng 10 năm Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn nhậm chức Tổng Giám mục, Tổng giáo phận TP.HCM.

 

Một đêm văn nghệ của giới Công giáo nhằm chúc mừng và kỷ niệm của một vị chủ chăn tưởng chừng như giản dị và rất là “cây nhà lá vườn” như thường thấy từ ngày xa xưa. Thế nhưng khi đến tham dự mới thấy đêm diễn lần này không thể “nghiệp dư” chút nào mà ngược lại còn “chuyện nghiệp’ là đàng khác !

 

Bởi đêm diễn mà tôi đọc thấy trong thiệp mời là một chương trình ca múa nhạc được thiết kế và thực hiện bởi một nhóm rất uy tín và kinh nghiệm của các chương trình ca nhạc Giáng Sinh những năm gần đây. Đó là người chủ nhiệm chương trình linh mục Nguyễn Khảm, Giám đốc TTMVGP ; Tổng đạo diễn và biên tập chương trình Linh mục Nguyễn Duy; Đạo diễn sân khấu Thanh Sâm ; Dẫn chương trình Quỳnh Trâm và Yên Thảo. Âm thanh và ánh sáng Công ty Việt Thương…tất cả những tên tuổi ấy đã cho thấy Đêm Hạnh Ngộ - Như Thầy Yêu Thương phải là một đêm diễn được chăm chút cẩn trọng với cách thể hiện giàu tính nghệ thuật. Công tác thiết kế cũng có những nỗ lực lớn với một sân khấu hoành tráng có đến bốn màn hình lớn dành cho hơn 10 ngàn người xem.

 

Sự chuyên nghiệp khởi đầu từ một MC rất chuyên nghiệp đó là Quỳnh Trâm một khuôn mặt quen thuộc của màn ảnh nhỏ thành phố. Với một giọng nói truyền cảm và ấm áp Quỳnh Trâm và Yên Thảo đã dẫn người xem đến với phần mở đầu chương trình nói về Một con người – một quê hương… Sinh ra và lớn lên tại miền sông nước Cà Mau. Mảnh đất cuối của quê hương Việt Nam, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn luôn gắn bó cuộc đời mình với miền đất thân yêu này…Chương trình ca nhạc khởi đi từ lời dẫn ấy bằng một tiết mục 20 người của nhà thờ Chính tòa : Đồng dao & Lý kéo chài. Hầu hết phần mở đầu của chương trình là những ca khúc rất đời và rất đỗi quen thuộc như Lòng mẹ của Y Vân (Trung Đông – Thanh Hiền), Quê hương ba miền của Thanh Sơn (Múa – dòng Thánh Phaolô thành Chartres), Tình cha của Y Vân (Trần Ngọc- Ngọc Tuyền), Tình là như thế của Phạm Ngọc hiền (Tam ca Áo Trắng)…

 

Phần hai của chương trình là những bài hợp xướng đông người như Lên núi Sion (Hùng Lân) được thể hiện bởi 280 nam nữ tu sĩ của các dòng tu thành phố tham gia. Như Bao la tình Chúa (Giang Ân) với hơn 120 em thiếu nhi giáo xứ Hạnh Thông Tây thể hiện. Hợp xướng Alleluia (Haedel) với 70 người của ca đoàn Suối Việt… Trong phần này còn có tiết mục tam ca của chủng sinh Chủng viện Thánh Giuse (Vì Chúa là tình yêu – Kim Long) rất hồn nhiên, song ca Thanh Sử và Gia Ân (Từ thủơ hoang sơ – Miên Ly) rất điệu luyện… Nhưng dấu ấn của phần này là sự xuất hiện đầy ấn tượng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với ca khúc Trong trái tim Chúa (Phanxicô). Lần này anh thật sự nghiêm cẩn trong bộ vest trắng nhưng giọng hát vẫn say đắm và nồng nàn vì thế anh tiếp tục được yêu cầu hát tiếp một bài thánh ca… 

 

Phần cuối chương trình diễn ra khá xúc động khi Đức Hồng y xuất hiện trên sân khấu trò chuyện thân mật với người xem. Hơn 60 nữ tu của dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp gây ngạc nhiên cho người xem với màn hoạt cảnh Tình yêu Chúa gọi con (Nguyễn Duy). Các nữ tu dòng Tân Lập cũng không hề kém cạnh trong một màn múa khá uyển chuyển và nhiều màu sắc. Mãi mãi tạ ơn (Duy Thiên). Trong phần kết này còn có tiết mục tam ca của ba ca sĩ Công giáo nổi tiếng Xuân Trường, Thủy Tiên,Đông Nghi với Aleluia – hát lên người ơi (Thành Tâm – Trần Sĩ Tín) rất rộn ràng tươi vui. Nhưng lắng đọng và đầy ý nghĩa cho đêm diễn là ca khúc : Như Thầy yêu thương ( Nguyễn Duy ) được ca sĩ Mai Thảo trình bày khá thành công…

 

Sau ca đoàn liên xứ hạt Thủ Đức với 160 thành viên đã cất cao tiếng hát trong hợp xướng Tình hiệp nhất ( Ngọc Linh) đã kết thúc đêm diễn đầy thi vị đánh dấu mười năm thi hành sứ vụ Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TP.HCM của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.

 

Vũ Duy Giang

Mục lục

Thư mời họp mặt Ban Tổ chức Năm Thánh 2010

 

Kính gửi các thành viên

trong Ban Tổ chức Năm Thánh 2010

 

I. Chủ tịch đoàn

 

- Chủ tịch: Đức Hồng y TGM Tổng Giáo Sài Gòn

- Phó Chủ tịch: Đức TGM Tổng Giáo phận Hà Nội và Huế

- Thành viên: Quý Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Phaolô Bùi Văn Đọc, Giuse Vũ Duy Thống

 

II. Ban Thư ký: gồm các LM Tổng thư ký các UBGM sau đây:

 

1. Tiểu ban nghiên cứu lịch sử

 

- UB Văn hoá: Lm. Giuse Trịnh Tín Ý

- UB Truyền thông: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

- UB Thánh nhạc: Lm. Rôcô Nguyễn Duy

 

2. Tiểu ban Giáo Hội mầu nhiệm (ngôn sứ, tư tế)

 

- UB Kinh Thánh: Lm. Phanxicô Vũ Phan Long, OFM

- UB Giáo lý Đức tin: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

- UB Phụng tự: Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo

- UB Nghệ thuật Thánh: Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, CSsR

 

3. Tiểu ban Giáo Hội hiệp thông (mục tử)

 

- UB Giáo sĩ - Chủng sinh: Lm. Giuse Đỗ Mạnh Hùng

- UB Tu sĩ: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải, CSsR, Lm. G.B. Trần Văn Hào, SDB

- UB Giáo dân: Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng

- UB Mục vụ Gia đình: Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

- UB Mục vụ Giới trẻ: Lm. Gioan Lê Quang Việt

 

4.Tiểu ban Giáo Hội sứ vụ (phục vụ cho Tin Mừng và sự sống con người)

 

- UB Loan báo Tin Mừng: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên

- UB Bác ái Xã hội: Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

- UB Mục vụ Di dân: Lm. Giuse Đỗ Đình Anh

 

III. Ban tài chính: Lm. Inhaxiô Hồ Văn Xuân

 

Kính mời Quý thành viên họp mặt:

 

- Tại Trung Tâm Mục vụ, 6bis Tôn Đức Thắng, Q.1, TP. HCM

- Lúc 9:00g, thứ Ba 8/4/2008

- Mục đích: thống nhất định hướng chung và phân công cụ thể.

 

Sau buổi họp kính mời quý thành viên ở lại dùng cơm trưa.

 

Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn, 28/3/2008

 

Chủ Tịch Ban Tổ chức Năm Thánh 2010

+ Hồng y G.B. Phạm Minh Mẫn

Mục lục

 

Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam

cử hành NĂM THÁNH 2010

 

NỘI QUY

 

Phần I

Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH

 

1. Ý nghĩa

 

Năm Thánh 2010 ghi dấu thời điểm kỷ niệm: (1) 350 năm thành lập hai Giáo phận Tông Toà Đàng Ngoài và Đàng Trong (x. Sắc Chỉ Super Cathedram, 9-9-1659, của Đức Alexandre VII), (2) 50 năm thiết lập phẩm trật Giáo hội Công giáo tại Việt Nam với 3 Giáo tỉnh Hà Nội - Huế - Saigon (x. Sắc Chỉ Venerabilium Nostrorum 24-11-1960). Thời gian cử hành Năm Thánh từ 24-11-2009 đến lễ Hiển Linh 2011, đi từ khởi điểm và chứng nhân đức tin đến toả sáng và chia sẻ niềm tin.

 

2. Mục đích

 

Việc cử hành Năm Thánh 2010 nhằm:

 

(1) Nhìn lại quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), 300 năm Tông Toà (1659-1960), đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010). Nhìn lại lịch sử nhằm mời gọi cộng đồng Dân Chúa Việt Nam cùng chung lòng tạ ơn Chúa đã thương ban cho Dân Người được hình thành, tồn tại và phát triển qua những thăng trầm của lịch sử, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Toà Thánh và các bậc tiền nhân đã góp phần tích cực vào việc loan Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội trên đất nước Việt Nam.

 

(2) Nhìn lại lịch sử cùng với những thẩm định về đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

 

(3) Đồng thời cũng nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III, nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công đồng Vatican II 1965 đã phác hoạ như sau:

 

• Giáo Hội hiệp thông: đào sâu mối hiệp thông giữa cộng đoàn tín hữu với Thiên Chúa trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, củng cố sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong mỗi Giáo Hội địa phương, hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với nhau cũng như với Giáo Hội toàn cầu;

 

• Giáo Hội tham gia: mọi thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, đều có quyền và trách nhiệm tham dự vào mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội, mỗi thành phần theo đặc sủng của mình;

 

• Giáo Hội vì loài người: quyền bính và sứ vụ của Giáo Hội là quyền và trách nhiệm yêu thương và phục vụ cho sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

 

Phần II

CỬ HÀNH NĂM THÁNH 2010

 

3. Giai đoạn chuẩn bị

 

(1) Năm 2008: HĐGM VN thống nhất và xin Toà Thánh cho mở Năm Thánh 2010. Đồng thời, HĐGM VN phê chuẩn Ban Tổ chức cử hành Năm Thánh, và hình thành những Tiểu Ban chuyên môn. Trong năm 2008, các Tiểu Ban cần soạn xong tài liệu học tập, hội thảo, tổ chức lễ hội, cầu nguyện, hành hương theo những chủ đề giúp cho cộng đồng Dân Chúa trong các giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, Đại Chủng viện, các đoàn thể giáo dân, các phong trào tông đồ ý thức tạ ơn Chúa, và quyết tâm cùng nhau làm mới hình ảnh Giáo Hội tại Việt Nam.

 

(2) Chủ đề của Năm Thánh 2010 là:

 

GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM: Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ

 

Chủ đề này được triển khai theo 3 chủ điểm lớn sau đây:

 

- Giáo Hội mầu nhiệm, với chức năng ngôn sứ và tư tế (mục vụ Thánh Kinh, Lời Chúa, giáo lý đức tin, Phụng tự, lòng đạo đức bình dân, kinh sách).

 

- Giáo Hội hiệp thông, với chức năng mục tử (mục vụ tổ chức và điều hành giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu hội, các tổ chức mục vụ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, tạo tương quan liên đới, đối thoại, hợp tác, đối nội, đối ngoại).

 

- Giáo Hội sứ vụ, với chức năng thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng và cho sự sống dồi dào của mọi người, đặc biệt người kém may mắn, bị bỏ rơi (mục vụ truyền giáo, văn hoá giáo dục, y tế, bác ái xã hội, phát triển, di dân).

 

(3) Năm 2009, các giáo tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu, Đại Chủng viện, đoàn thể tông đồ giáo dân, tổ chức cho cộng đoàn Dân Chúa cử hành lễ hội, học tập, hội thảo, góp ý, đề xuất, cầu nguyện, hành hương vào một số dịp và theo 3 chủ đề đã nêu trên… Phát hành Kỷ Yếu 50 năm thiết lập Phẩm trật Giáo hội Công giáo tại Việt Nam với 3 giáo tỉnh Hà Nội - Huế - Sài Gòn, với phần nhìn lại các thời kỳ lịch sử truyền giáo, đặc biệt thời kỳ chính toà…

 

4. Cử hành Năm Thánh 2010

 

(1) Cử hành Thánh lễ tạ ơn và xin ơn toàn xá vào dịp một số lễ do HĐGM VN ấn định.[1] Có thể tiếp tục lễ hội, học hỏi, góp ý đề xuất, cầu nguyện, hành hương theo những chủ đề nói trên…

 

(2) Tổ chức Đại hội Dân Chúa Việt Nam.

 

(3) Năm 2010 hoặc năm 2011, phát hành Kỷ Yếu Đại hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010, trình bày những diễn tiến và kết quả của Đại hội, đồng thời đưa ra những định hướng mục vụ cụ thể nhằm xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, tham gia, và phục vụ sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

 

Phần III

ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM 2010

 

5. Tính chất và mục đích của Đại Hội

 

(1) Đại hội Dân Chúa Việt Nam là cơ hội cho HĐGM kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa chung lòng chung sức với Hàng Giáo phẩm xây dựng một Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội tham gia và Giáo Hội vì loài người, nhằm tạo thuận lợi cho việc thi hành cách có hiệu quả hơn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay.

 

(2) Đại hội Dân Chúa Việt Nam không những nhằm thể hiện sự hiệp thông trong Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, song còn nhằm cổ v ũ mọi thành phần trong Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam tại các châu lục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, tích cực tham gia thi hành sứ vụ của Giáo Hội vì sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

 

6. Giai đoạn chuẩn bị

 

(1) Công việc chuẩn bị Đại Hội, trước hết nhằm giúp cho HĐGM phát hiện những vấn đề cần được đưa ra bàn thảo trong Đại hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010. Đồng thời còn nhằm làm cho mọi thành phần Dân Chúa trong các Giáo Hội địa phương cảm nhận rằng họ có liên hệ mật thiết với Đại Hội. Đạt được mục tiêu trên, công việc của Đại Hội sẽ mở đường cho sự hiệp thông đi vào đời sống Giáo Hội, nhờ đó mọi tín hữu được chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những gì HĐGM sẽ quyết định với tư cách là mục tử của Dân Chúa.

 

(2) Tham khảo ý kiến của mọi thành phần Dân Chúa. Công việc chuẩn bị còn nhằm giúp mọi tín hữu tham gia cách tích cực vào đời sống Giáo Hội. Các cộng đoàn tín hữu, giáo xứ, dòng tu, tu hội, Đại Chủng viện, cùng tham gia Đại Hội bằng học hỏi theo những chủ đề nêu trên, đồng thời bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng, nhu cầu, và đề xuất những phương thế đảm nhận những thách đố mục vụ.

 

(3) Xác định những vấn đề cần bàn thảo trong Đại Hội

 

Dựa vào tư liệu do các Tiểu Ban chuyên môn soạn ra, Ban Thư ký tổ chức Đại Hội soạn thảo một bản Đề Cương với những câu hỏi, và gửi đến các tham dự viên Đại Hội, xin họ trả lời các câu hỏi trước tháng 6, 2009. Thu thập lại các câu trả lời, đúc kết thành một Bản Tư Liệu Làm Việc, gửi đến các tham dự viên trước tháng 12-2009. Các bài phát biểu trong Đại Hội cần phải dựa vào Bản Tư Liệu Làm Việc đó, và gửi 1 bản đến Ban Thư ký Đại Hội trước tháng 4-2010.

 

7. Tham dự Đại hội Dân Chúa Việt Nam

 

(1) Chủ toạ đoàn: gồm Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ban Tổ chức cử hành Năm Thánh.

 

(2) Thành phần tham dự Đại Hội với quyền biểu quyết: các Giám mục tại Việt Nam.

 

(3) Thành phần tham dự Đại Hội với quyền tư vấn:

 

- Các Tổng Đại diện và Đại diện Giám Mục, các Giám đốc Đại Chủng viện.

- Các dòng tu, tu hội đề cử 15 nam, 15 nữ đại diện cho hơn 90 dòng tu và tu hội đời có mặt tại Việt Nam.

- Mỗi giáo phận đề cử một linh mục, hai giáo dân, một nam, một nữ [2].

- Một số đại diện các cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở các Châu lục, mỗi Châu lục từ 5-10 người.

- HĐGM mời một số thượng khách như Tổng Giám mục và Giám mục Việt Nam ở Châu lục khác, và một số vị đã góp phần tích cực vào công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo Hội tại Việt Nam [3].

 

(4) Các tham dự viên - giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, (với tổng số lối 200) - “trợ giúp” HĐGM bằng cách đóng góp ý kiến hoặc biểu quyết những vấn đề mà HĐGM đề xuất. Việc biểu quyết đó mang tính tư vấn. Sau khi lắng nghe, các giám mục có bổn phận thẩm định, phân định và quyết định. Cách thi hành tác vụ giám mục bao hàm việc lắng nghe mọi thành phần Dân Chúa, và cổ vũ họ cùng nhau tìm kiếm điều mà Chúa Thánh Thần đòi hỏi nơi gia đình Giáo Hội tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại.

 

8. Tiến trình của Đại Hội

 

(1) Cử hành lễ khai mạc, lễ bế mạc

 

Có thể cử hành long trọng và được mở rộng tại một nơi mà nhiều ngàn tín hữu tham dự được (x. Sách Nghi thức Giám mục, số 1169-1176; Tông huấn Mirificus Eventus, 7-12-1965).

 

(2) Tuyên tín

 

Trước khi bắt đầu góp ý, các tham dự viên tuyên tín theo Giáo Luật 833, nhằm khơi dậy ý thức đức tin và lòng yêu mến đối với di sản thiêng liêng của Giáo Hội.

 

(3) Những vấn đề cần bàn thảo

 

Cần ấn định trước qua bản Tư Liệu Làm Việc những vấn đề đưa ra cho các tham dự viên tự do góp ý trong Đại Hội. Các tham dự viên viên được tự do phát biểu về những vấn đề đã được đưa ra, trong thời hạn nội quy ấn định. Sau những buổi phát biểu, cần có bản tóm tắt về mỗi vấn đề, mỗi lĩnh vực mục vụ, nhằm tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu và thảo luận kế tiếp.

 

(4) Cách thức tiến hành Đại Hội

 

- Mỗi bài phát biểu trong Đại Hội cần dựa vào nội dung Tư Liệu Làm Việc, và dài tối đa 5 phút. Không kéo dài thêm sau khi nghe tiếng chuông. Cần gửi cho Văn phòng Ban Thư ký Đại Hội 1 bản bài phát biểu ít là 4 tháng trước Đại Hội.

 

- Sau các buổi phát biểu, Ban Thư ký trình bày bản đức kết các ý kiến phát biểu. Sau đó là 3 buổi thảo luận nhóm, mỗi buổi thảo luận một lĩnh vực mục vụ (Giáo Hội mầu nhiệm, Giáo Hội hiệp thông, Giáo Hội sứ vụ…). Ban Thư ký lo liệu phân nhóm với trưởng phó nhóm, 2 thư ký, và chỉ định chỗ cho mỗi nhóm thảo luận. Mỗi nhóm tối đa là 20 người.

 

- Sau các buổi thảo luận nhóm, tại hội trường, các thư ký nhóm trình bày bản đúc kết ý kiến của nhóm. Sau đó tùy theo thời giờ, các tham dự viên có thể góp ý bổ sung.

 

(5) Phiếu kín

 

Các thành viên Đại Hội có thể được mời bày tỏ ý kiến qua phiếu kín. Cần giải thích cho Đại Hội ý nghĩa hành vi này là nhằm xác minh mức độ đồng ý với những đề xuất, và kết quả của việc bỏ phiếu không có tính quyết định, vì lẽ chức năng của Đại Hội là trợ giúp HĐGM, không thay thế HĐGM.

 

Nhiệm vụ của HĐGM là thẩm định mọi sự trước mặt Chúa trước khi quyết định. Thế nhưng HĐGM cần theo ý kiến đa số nếu xét thấy không có trở ngại trầm trọng (Unitas in necessariis, Libertas in dubiis, Caritas in omnibus).

 

9. Soạn thảo và công bố văn kiện sau Đại Hội

 

(1) Soạn thảo văn kiện sau Đại Hội

 

Với chỉ dẫn cần thiết, HĐGM giao cho Ban Thư ký Đại Hội và các Tiểu ban Đại Hội soạn ra bản thảo văn kiện. Trong việc soạn thảo, cần tìm công thức chính xác, rõ ràng, nhằm làm cho văn kiện thành bản chỉ dẫn thực hiện chương trình mục vụ tương lai. Do đó, cần tránh dừng lại ở những cách nói mang tính đại cương hoặc chỉ cổ vũ.

 

(2) Công bố văn kiện

 

Văn kiện phải mang chữ ký của vị Chủ tịch và Tổng Thư ký HĐGM. Văn từ được dùng phải biểu tỏ chính HĐGM là tác giả.

 

(3) Chuyển đạt văn kiện

 

Những nơi cần chuyển đạt văn kiện sau Đại Hội:

- Các Giám mục Việt Nam.

- Các tham dự viên Đại Hội.

- Các đại diện các thành phần Dân Chúa Việt Nam.

 

(4) Thể thức và thời điểm thi hành những quyết định của Đại Hội.

 

Sau Đại Hội, HĐGM có nhiệm vụ xác định thể thức và thời điểm toàn thể Giáo hội Công giáo tại Việt Nam thi hành những quyết định được ghi trong văn kiện sau Đại Hội.

 

Phần IV

PHÂN CÔNG VÀ PHÂN NHIỆM

 

10. Hội đồng Giám mục Việt Nam

 

(1) Xin Toà thánh cho mở Năm thánh 2010

 

(2) Phê chuẩn: - Ban Tổ chức Năm Thánh

- Những tiểu ban chuyên môn

- Nội quy cử hành Năm Thánh 2010

 

(3) Phê chuẩn Chủ toạ đoàn Đại hội Dân Chúa Việt Nam.

 

(4) Triệu tập Đại hội Dân Chúa Việt Nam.

 

(5) Ấn định địa điểm và thời gian tiến hành Đại Hội.

 

(6) Ấn định Nội quy tổ chức và tiến hành Đại Hội, và các vấn đề cần được thảo luận.

 

(7) Tuyên bố ngày khai mạc Đại Hội, thời gian Đại Hội, triển hạn, bế mạc Đại Hội.

 

(8) Phê chuẩn và công bố văn kiện sau Đại Hội.

 

11. Ban Tổ chức Năm Thánh

 

Ban Tổ Chức Năm Thánh gồm có:

 

- Đoàn Chủ tịch:

 

- Chủ tịch: Đức Hồng y Tổng Giám mục TP HCM.

- Phó Chủ tịch: 2 Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội và Huế.

- Quý Đức Cha thành viên: Phêrô Trần Đình Tứ, Phaolô Bùi Văn Đọc, Giuse Vũ Duy Thống.

- Ban Thư ký và Ban Tài chính (do đoàn Chủ tịch tổ chức Năm Thánh đề cử): có nhiệm vụ trợ giúp HĐGM trong những việc như sau:

 

(1) Tổ chức và điều hành các công việc trong suốt thời gian chuẩn bị và cử hành Năm Thánh, đặc biệt là công việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Dân Chúa Việt Nam.

 

(2) Lên kế hoạch kinh phí, tìm nguồn tài trợ cho việc chuẩn bị cũng như cử hành Năm Thánh.

 

(3) Tham khảo ý kiến và xác định những vấn đề cần bàn thảo trong Đại Hội.

 

(4) Soạn thảo các văn kiện sau Đại Hội, trình cho HĐGM xét duyệt, thống nhất, phê chuẩn và ban hành trong Hội Nghị tháng 10-2010, hoặc trong Hội Nghị tháng 3-2011.

 

12. Ban Thư ký Năm Thánh

 

(1) Ban Thư ký Năm Thánh gồm:

 

- Thư ký Thường trực: do đoàn Chủ tịch Ban Tổ chức Năm Thánh đề cử.

 

- Các Thư ký của các tiểu ban: (1) tiểu ban nghiên cứu lịch sử, (2) tiểu ban soạn thảo tài liệu học hỏi và cử hành Năm Thánh, (3) tiểu ban chuẩn bị và thực hiện Đại hội Dân Chúa Việt Nam.

 

(2) Nhiệm vụ của Thư ký Thường trực

 

- Làm cầu nối giữa vị Chủ tịch Ban Tổ chức Năm Thánh và các tiểu ban chuyên môn.

- Phối hợp các tiểu ban chuyên môn theo định hướng chung.

- Lo liên lạc thông tin, đề phòng những giải thích thiếu chính xác, thiếu trung thực.

 

(3) Nhiệm vụ của Các thư ký tiểu ban: [4]

 

- Tiểu ban nghiên cứu lịch sử (gồm Tổng Thư ký các UBGM về Văn hoá, Truyền thông, Thánh nhạc): nghiên cứu lịch sử Giáo hội Việt Nam qua 3 thời kỳ bảo hộ, tông toà, nhất là chính toà (1960-2010). Phát hành Kỷ yếu 50 năm thiết lập Phẩm trật Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

 

- Tiểu ban soạn thảo các tài liệu học hỏi và cử hành Năm Thánh: chia ra 3 nhóm để biên soạn các tài liệu theo 3 chiều kích: mầu nhiệm (gồm Tổng Thư ký các UBGM về Giáo lý Đức tin, Kinh Thánh, Phụng tự) - hiệp thông (UBGM về Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân, Giới trẻ, Gia đình) - sứ vụ (UBGM về Truyền giáo, Bác ái Xã hội, Di dân).

 

- Tiểu ban chuẩn bị và thực hiện Đại hội Dân Chúa Việt Nam: soạn thảo Đề cương và Tài liệu làm việc cho Đại Hội - soạn thảo Nội Quy cho Đại Hội - làm Ban Thư ký của Đại Hội - soạn thảo văn kiện sau Đại Hội.

 

13. Ban Tài chính

 

(1) Dự chi cho việc chuẩn bị và cử hành Năm Thánh, nhất là Đại Hội.

(2) Dự thu cho công việc nói trên.

(3) Chuẩn bị cơ sở và kinh phí cho Đại Hội.

 

--------------------

 

[1] Ví dụ, Lễ Khai mạc Năm Thánh:

 

Lễ Các Thánh Tử đạo VIỆT NAM 24-11-2009,

Lễ Thánh Giuse 19-3,

Lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô: 29-6

Lễ Tạ ơn Kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo phận Tông Toà Đàng Ngoài và Đàng Trong: 9-9-2010,

Lễ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: 1-10,

Lễ Các Thánh Tử đạo VIỆT NAM: 24-11-2010,

Lễ Thánh Phanxicô Xaviê: 3-12,

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: 8-12,

Lễ Bế mạc Năm Thánh: Lễ Hiển Linh: 2011.

 

[2] Dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn lựa các linh mục và giáo dân tham dự Đại hội Dân Chúa? Thiết nghĩ nên quan tâm đến một vài khía cạnh: (1) những linh mục và giáo dân đang làm việc mục vụ, (2) những giáo dân và linh mục có uy tín và đạo đức, (3) về số giáo dân, nên lưu ý việc quân bình nam nữ trong số tham dự viên.

 

[3] Ví dụ, đại diện Bộ Truyền giáo, đại diện Hội Thừa Sai hải ngoại Paris, đại diện Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Đa Minh…

 

[4] Mỗi tiểu ban gồm có các Tổng Thư ký của một số UBGM. Các Tổng Thư ký này sẽ bầu ra một vị làm Thư ký Thường trực của tiểu ban chuyên môn.

 

Mục lục

 

Chính quyền Tỉnh Quảng Trị đã đồng ý trả lại gần hết đất Thánh Địa La Vang cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

 

Ngày thứ tư, 10 tháng 4 năm 2008, một cuộc họp được diễn ra tại Ủy ban Nhân Dân Tỉnh Quảng Trị lúc 08g30, giữa phái đoàn Toà Tổng Giám Mục Huế và Chính Quyền Tỉnh Quảng Trị, bàn về vấn đề “ĐẤT LA VANG”.

 

Phái đoàn Toà Tổng Giám Mục Huế gồm Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế, Đức Cha Nguyễn Như Thể, Đức Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Huế, Đức Cha Lê Văn Hồng, linh mục Hạt Trưởng Hạt Quảng Trị, cha Nguyễn Vinh Gioang, linh mục Quản Nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang, cha Lê Sĩ Hiền, linh mục Quản xứ Trí Bưu, cha Lê Quang Quý.

 

Về phía Chính Quyền Tỉnh Quảng Trị, có ông Nguyễn Đức Chính, Ủy viên Thường vụ Trung Ương, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Quảng Trị, và các vị đại diện các ban ngành liên hệ về vấn đề “Đất La Vang”.

 

Trong cuộc họp nầy, Đức Cha Lê Văn Hồng, Giám mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Huế, thừa ủy nhiệm Đức Tổng Giám Mục Huế, tuyên đọc hai bức thư: bức thư của Toà Tổng Giám Mục Huế, viết ngày 20 tháng 3 năm 2008, kính trình lên Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về vấn đề Đất La Vang và bức thư trả lời của Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về vấn đề Đất La Vang (có đính kèm).

 

Sau một tiếng đồng hồ thảo luận, ông Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Quảng Trị, nói lên lập trường rõ ràng của Chính Quyền Quảng Trị là giải quyết vấn đề Đất La Vang theo như tinh thần của Phái đoàn Toà Tổng Giám Mục Huế trong hai bức thư đã được tuyên đọc trên. Ông cũng ra lệnh các ban ngành có liên hệ với vấn đề “Đất La Vang” hãy làm việc tích cực và xây dựng với Toà Tổng Giám Mục Huế để Chính Quyền Quảng Trị sớm có quyết định dứt khoát về vấn đề “Đất La Vang” nầy.

 

Cuộc họp bế mạc lúc 09giờ 30’ cùng ngày.

 

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

Hạt trưởng Hạt Quảng Trị

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

VẠ TUYỆT THÔNG TIỀN KẾT DO TỘI PHÁ THAI

 

  1. Thề nào là tội phá thai (1)?

 

Sách Giáo Lý chung nêu rõ : Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ từ lúc được thụ thai. Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã xác định phá thai là một tội ác. Công tác vào việc phá thai là một lỗi nặng. Quyền được sống là quyền bất khả nhượng của mọi người vô tội. Ngay từ lúc thành thai, phôi thai phải được đối xử như một nhân vị, nên phải hết sức bảo vệ toàn vẹn, chăm sóc và chữa trị như mọi con người khác(2). Như vậy, Hội Thánh xem phôi thai lúc mới hình thành đã là một con người.

 

Trước đây, quan niệm chung trong Hội Thánh định nghĩa tội phá thai là trục một phôi thai còn sống ra khỏi lòng mẹ; do đó làm phôi thai này chết (3).

 

Một số nhà luân lý cho rằng : như vậy, việc cắt xẻ phôi thai ( craniotomy, embrotomy) và các hình thức làm cho phôi thai chết ngay trong lòng mẹ, chỉ tính là tội giết người (homicide), chứ không phải tội phá thai ( abortion).

 

Ủy ban Giáo hoàng về Giải Thích Luật đã trả lời rõ ràng : phá thai là việc giết chết phôi thai, bằng bất cứ cách nào và bất kỳ thời điểm nào, trong giai đoạn người mẹ mang thai (4).

 

2. Khi nào người tín hữu mắc vạ tuyệt thông do tội phá thai ?

 

Theo Giáo luật, “người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết” (GL 1398).

 

Bản Việt ngữ dùng thuật ngữ “thi hành” (việc phá thai) để dịch từ “procurat” (tạo ra, cung cấp…). Người mắc tội và vạ tuyệt thông  là “người thi hành” nghĩa là người chủ ý gây ra việc chết thai nhi. Giáo luật cố tình dùng chữ ”người thi hành”, chứ không dùng từ “ người mẹ” hay “y sĩ”; để chỉ tất cả những người nào chủ ý cộng tác vào việc phá thai: người mẹ hay bất cứ người nào đồng ý, xúi giục, cộng tác hay giúp đỡ việc phá thai; y bác sĩ…(5). Như vậy, bất cứ người tín hữu nào chủ ý tham dự hay cộng tác vào việc phá thai đều bị tội và bị vạ.

 

Người mẹ, vì vô ý khi vận động, nên bị xảy thai, không phạm tội phá thai ; người cha vô tâm, không để ý việc vợ mình lén đi phá  thai, cũng không phạm tội.

 

Vạ tuyệt thông chỉ áp dụng  khi việc phá thai “có hiệu quả” , nghĩ là thai nhi đã chết do việc làm của họ.

 

Vạ tuyệt thông là vạ tiến kết, nghĩa là người nào đã phạm tội phá thai đương nhiên bị vạ từ lúc họ phạm tội, không cần Giáo hội phải công bố hình phạt.

 

3. Linh mục nào có quyền giải vạ tuyệt thong tiền kết do tội phá thai ?

 

Trong Giáo hội  toàn cầu, việc giải vạ này thuộc thẩm quyền của vị Thường quyền sở tại: Đức Giám mục giáo phận và vị Tổng đại diện của ngài ; hoặc các vị được Giáo luật xem là tương đương với Đức Giám mục giáo phận. Đức Giám mục giáo phận thường chỉ định một vài linh mục tại nhà thờ chính toà.Các cha tuyên úy bệnh viện, nhà tù…cũng thường được trao năng quyền này.

 

Linh mục giải tội bình thường có thể tha vạ này, nhưng chỉ trong Toà Giải tội ( Toà trong) mà thôi, nếu tội phạm này chưa bị Đức Giám mục công bố (GL 1357). Đồng thời, vị linh mục giải tội này phải buộc hối nhân xin Đức Giám mục tha vạ chính thức (Tòa ngoài) trong thời gian ngắn nhất.

 

Trong những trường hợp , bấy kỳ linh mục nào cũng có thể tha tội và vạ này ( GL 976).

Tại Giáo phận Sài Gòn, Bản Năng quyền Thập niên 1971-1980 ấn định : “Nếu cha là linh mục đã nhập tịch hay nhập vụ giáo phận bất cứ với chức vụ gì, cha được nâng quyền”…”Được giải các vạ đã dành cho quyền Tòa thánh cách đơn thường, hay cách đặc biệt, trừ trường hợp bỏ đạo công khai; lại cũng được giải các được vạ Luật Giáo hội đã dành cho các vị Bản quyền kể cả vạ làm  trụy thai mà có công hiệu, tức là chính người mẹ (6).

 

Bản văn nói trên cũng ghi rõ là các năng quyền này có giá trị “cho đến hết ngày 31.12.1980”. Tuy nhiên, “Theo lời dặn trong Bản Năng quyền số IV, thì các Năng quyền ấy vẫn còn hiệu lực cho tới khi Đấng Bản Quyền nhận được những Năng quyền mới. Bởi vậy, hết ngày 31.12.1980 mà chưa  có Bản Năng quyền mới, thì các cha cứ dung Bản Năng quyền này” ( tr 09).

 

Như vậy, tại Giáo phận Sài Gòn hiện nay, các linh mục triều hoặc linh mục dòng có làm nhiệm vụ cho giáo phận có thể giải vạ tuyệt thông tiến kết do tội phá thai. Năng quyền này có giá trị cho đến khi Bộ Truyền Giáo hay vị Tổng Giám mục giáo phận công bố rút lại năng quyền.

 

Tại các giáo phận khác của Việt Nam, năng quyền này tùy thuộc quyết định của vị giám mục giáo phận.

 

Lm. Bùi Thái Sơn

(1)Văn kiện chi tiết nhất của Hội Thánh về phá thai là Intructio Donum vitae của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

(2)Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, N 2270- 2275.

(3)D. Prummer, Manuale Theologie Maralis II, Roma 1958, p123-128.

(4)AAS, (1988), PP. 1818-1819 : “ Utrun bbortus, de quo incan. 1398, intellegatur tantum de eiectione fetus inmaturi, an etiam de eiusdem fetus occasione quocumque modo et quocumque tempore

 a momento conceptionis procuretur ? …A. Negative ad priman partem : affirmative ad secundam”.

(5) Xem them GL 1329.

(6) Bản Năng quyền Thập Niên 1971-1980, tr.47; Formula Facultatum Decennalim n 24

Đây là văn kiện Bộ Truyền giáo tái xác nhận ngày 27.02.1971, đễ lặp lại năng quyền theo Tông thư  Pastorale muns  của Đức Phaolô VI, ngày 30.11.1963. Cả hai văn kiện này được trích nguyên văn ở phần phụ lục Bản Năng Quyền thập Niên 1971-1980.

 

Lm. Bùi Thái Sơn

Mục lục

 

CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LINH MỤC VÀ TU SĨ

 

Ơn Thiên Triệu, hay Ơn Gọi, theo nguyên nghĩa, là lời mời gọi của Chúa Giêsu gởi đến tất cả mọi người. Ngài là Chúa Chiên Lành, là Mục Tử đích thực, là Cửa Chuồng Chiên. Ngài hiểu biết và yêu mến từng con chiên một, Ngài mời gọi từng người bước theo Ngài, để có thể hưởng nhận sự sống sung mãn của Thiên Chúa. Đồng thời, Ngài trao ban sứ mạng loan báo Tin Mừng, chuyển thông ơn cứu độ cho nhân loại, trong địa vị, hoàn cảnh sống riêng của mỗi người. Một ơn gọi duy nhất, nhưng có nhiều ơn huệ, nhiều thừa tác vụ, nhiều công việc khác nhau.

 

Ngài cần những người giữ cửa, mở rộng các tâm hồn, khi ngài đến. Vì thế, nói đến Ơn Thiên Triệu Linh Mục Tu Sĩ, là nói đến một số người, được đặc ân Chúa ban, dâng hiến cuộc đời mình, bước đi theo Chúa, trong đời sống linh mục tu sĩ. Những vị này có một nếp sống riêng biệt, chuyên chăm phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, lo việc mở mang Nước Chúa, như các tông đồ xưa. Tiếp nối công trình của Chúa một cách chuyên biệt. Linh Mục và Tu Sĩ là những người thay mặt Chúa, sống và làm việc theo gương Chúa, hướng dẫn và chăm sóc đàn chiên Chúa, như là Chúa Chiên Lành, như là Cửa Đàn Chiên.

 

Cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu Linh Mục Tu sĩ, là chúng ta cầu xin Chúa ban cho nhiều tâm hồn quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa, sống hiến thân trọn vẹn cho Nước Trời, bằng một cuộc đời phục vụ anh em, nhất là những người bất hạnh, đau khổ. Bởi vì hiện nay trên thế giới, do những điều kiện và hoàn cảnh nhất định, con số những người chọn sống đời sống tu trì càng ngày càng giảm đi, thậm chí nhiều nơi không còn nữa. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Bởi thế, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ chúng ta : Lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt thì ít. Chúng ta hãy cầu xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến trên cánh đồng truyền giáo.

 

Cầu nguyện là điều cần thiết. thế nhưng, để cho lời cầu nguyện có thể sinh hoa kết quả, sự cộng tác tích cực của mỗi người là điều quan trọng không kém. Bởi vì Chúa không thể giúp chúng ta, nếu không có phần của chúng ta.

 

Sự góp phần của chúng ta, trước hết là mỗi người phải tự vấn lương tâm của mình,xem mình đã đáp lại lời mời gọi của Chúa như thế nào.Nên nhớ rằng Chúa mời gọi tất cả mọi người, không trừ ai. Mỗi người một công việc. Đó là ơn gọi cách chung. Muốn biết mình có được chọn để theo đuổi đời sống đặc biệt này hay không, thiết tưởng cần phải cầu nguyện tha thiết, suy nghĩ chín chắn, phân định rõ ràng, để hiểu rõ thánh ý Chúa, và vui lòng, sẵn sàng đáp lại. Điều đó đòi phải có một tâm hồn yêu thương, khiêm tốn, quảng đại, tự do và nhiệt tình dấn thân.

 

Đồng thời, sự góp phần của chúng ta cần được thể hiện qua những nỗ lực cộng tác, cả tinh thần lẫn vật chất, với ý hướng tốt đẹp : làm cho Nước Chúa mau trị đến. Thực ra, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, có rất nhiều người, vì thiếu những điều kiện thuận lợi, đã không thể nào thực hiện được ý nguyện tiến bước theo Chúa trong đời sống dâng hiến trọn vẹn. Sự góp phần này của chúng ta có thể là lời cầu nguyện, những lời hướng dẫn, khuyên nhủ, động viên, khuyến khích. Đó còn có thể là những phương tiện vật chất, như tài chánh, giúp đào tạo nhân cách, mở mang kiến thức, nâng cao trình độ. Bởi vì, làm việc cho Chúa trong vai trò Linh Mục Tu sĩ, muốn có kết quả tốt đẹp, cần phải có một trình độ kiến thức cơ bản, một nền đạo đức tốt, và một sức khỏe tương đối.

 

Ngoài ra, sự góp phần của chúng ta còn được thể hiện qua lòng yêu mến, biết ơn đối với những vị đã và đang giúp đỡ chúng ta trong đời sống thiêng liêng, đạo đức : các Giám mục, linh mục và tu sĩ. Đời sống tinh thần được trao ban, gầy dựng và phát triển.Những ơn lành cao quí được lãnh nhận một cách dư dật qua các bí tích…Chúng ta không thể nào kể hết những công lao khó nhọc của các vị ấy dành cho chúng ta. Vì ích lợi hạnh phúc đời đời của chúng ta, các vị ấy đã không ngừng cầu nguyện tha thiết, không quản ngại hy sinh vất vả… Thời gian, sức khoẻ, tài năng, sự nhiệt tình, lòng quảng đại, bác ái… tất cả được tặng ban một cách hào phóng. Do đó, lòng biết ơn phải được thể hiện một cách cụ thể thiết thực, bằng lời cầu nguyện, sự cộng tác tích cực, hỗ trợ, nâng đỡ…

 

Sau cùng, sự góp phần của chúng ta còn được biểu lộ qua sự tham gia tích cực trong công việc chung của giáo phận, nhất là giáo xứ. Đối với mỗi người và trong hoàn cảnh hiện tại, cánh đồng truyền giáo chính là giáo xứ và gia đình thân thương của mình. Hãy yêu mến giáo xứ như chính gia đình. Hãy nỗ lực làm cho giáo xứ càng ngày càng phát triển, không những về đời sống đạo đức, tinh thần, nhân bản, mà cả đời sống kinh tế, vật chất. Hãy cùng với mọi người làm cho sinh hoạt của giáo xứ được trôi chảy, thăng tiến. Hãy góp phần nhỏ bé, nhưng rất quí báu của mình, làm căn bản để Chúa làm phép lạ lớn lao, là ban ơn trở lại cho tất cả mọi người. Mỗi người hãy là thợ gặt lành nghề, để đem lại ơn cứu độ cho anh em chunh quanh.

 

Thật vậy, Nước Chúa có mau trị đến hay không, còn tùy thuộc ở việc chúng ta có nhiệt tình đáp lại lời mời gọi của Chúa, sẵn sàng cộng tác với Chúa hay không vậy.

 

Lm. Nguyễn Tấn Khoa

Mục lục

 

ĐỨC TIN Ở ĐÂU ?

 

Đức tin ở đâu ?

Chúa dạy chúng ta 3 điều :

- Niềm hy vọng được sống đời đời : là khởi điểm và là cùng đích của đức tin.

- Sống công chính : là khởi điểm và là cùng đích của sự thưởng phạt tội phúc.

- Sống bác trong vui mừng : bằng chứng cho biết hành động nào là công chính.

Nhờ các ngôn sứ mà ta biết những điều quá khứ và hiện tại, và cũng cho nếm trước những hoa quả đầu mùa của tương lai. Mục đích của cuộc đời là sống mãi với Thiên Chúa. Hành trình đức tin là một công cuộc của ân sủng. Chỉ trong ân sủng, ta mới có thể hiểu được thế nào là đức tin.

Đức tin ở đâu ?

Đức tin bắt đầu từ việc khao khát Thiên Chúa, sẵn sàng mở lòng ra đón nhận ân sủng, đón nhận lời mời gọi của Chúa. Thiên Chúa mời gọi không vì ta xứng đáng. Nhưng dù ta có xứng đáng, thì không có gì để bắt buộc Chúa phải gọi ta. Mà chỉ cần ta xoè bàn tay ra để đón nhận lời mời gọi ấy, như một quà tặng, như một hồng ân. Và cuộc hành trình đức tin được tiếp diễn, ngày một đi lên. Nói là đi lên chứ thật sự đó là một cuộc trở về đích thực. Đi trên con đường này, Thiên Chúa đòi hỏi ta cố gắng rất nhiều, hy sinh rất nhiều. Nhưng Thiên Chúa không ép buộc chúng ta theo Ngài. Ngài tôn trọng tự do của ta. Nghĩa là nếu muốn để ân sủng biến đổi, thì ta phải mở lòng cho ân sủng.

Đức tin ở đâu ?

Nhờ sự giúp đỡ của người khác và xin người khác giúp đỡ.

Thiên Chúa ban ân sủng cho ta qua người khác, nhất là nơi cộng đoàn kitô hữu Trong, nhờ Giáo xứ, ta được nâng đỡ, được trưởng thành về niềm tin. Trong, qua Giáo xứ, ta thể hiện lòng tin, niềm xác tín của ta về Thiên Chúa.

Đức tin ở đâu ?

Nhờ việc lắng nghe Lời Chúa. Ta nghe bằng cả con người xác hồn.

Lắng nghe bằng thân xác : nghĩa là lắng nghe với thái độ cung kính, dù quỳ, đứng hay ngồi thì luôn nghiêm túc, luôn ý thức Chúa đang hiện diện và trước mặt ta.

Lắng nghe bằng trí khôn : Ta phải dùng trí khôn của mình để lắng nghe, để tập trung suy nghĩ những điều Chúa muốn dạy. Chứ không phải là thân xác thì ở đây, còn tâm trí lại ở nơi khác, lại lo về gia đình, lo về con cái, về nghề nghiệp...

Lắng nghe bằng con tim : Không thương, không mến yêu, thì ta chỉ cố gắng nghe cho xong, nghe cho hiểu thôi, chứ không đem hết tình yêu mà đón nhận, mà ấp ủ trong lòng để gẫm suy, để áp dụng theo. Hình ảnh hai môn đệ Emmau là một thí dụ về việc lắng nghe lời Chúa bằng con tim. Sau khi gặp Chúa, họ nói với nhau:  "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (Lc 24:32). Một thí dụ khác trong Thánh Vịnh về việc lắng nghe bằng con tim : “Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao. Suốt ngày cứ suy đi gẫm lại!... Thánh ý Chúa, trọn bề tuân giữ. Hồn mến yêu hâm mộ chẳng rời."  (Tv 119, 97,167)

Nói cách khác, lắng nghe lời Chúa cách yêu mến cũng giống như những người thương nhau : Họ thích thú lắng nghe, suy nghĩ, tâm đắc… Còn nếu không thương nhau thì ta chẳng chú ý, không quan tâm, nếu có bác ái một chút thì cố gắng nghe cho qua, cho xong.

Lắng nghe bằng linh hồn : nghĩa là lắng nghe với lòng tin, tin rằng lời Chúa có sức mạnh tác động và biến đổi chúng ta. Nhiệm vụ chúng ta là mở lòng đón nhận lời Chúa. Chỉ thế thôi, Ngoài ra chúng ta không làm được gì hơn. Chính Chúa, Ngài sẽ cho sức mạnh của lời Ngài thấm nhập vào tâm can chúng ta và tái tạo chúng ta.

            Như vậy, toàn bộ cuộc sống con người : thân xác, tâm trí, trái tim, linh hồn của ta được Lời Chúa bao trùm. Ta sống trong bầu trời tình yêu, trong một niềm tin phó thác trọn vẹn.

Đức tin ở đâu ?

Nhờ cầu nguyện. Chúa Giêsu là gương mẫu cầu nguyện. Ngài cầu nguyện trước các biến cố lớn : khi chọn môn đệ, khi sai các ông đi rao giảng ; sáng sớm, chiều tối. Ngài cầu nguyện… Cầu nguyện để biết ý Chúa Cha, cầu nguyện cho môn đệ, cầu nguyện cho con người, cầu nguyện cho Giáo hội… Một mình Ngài đối diện với Chúa Cha. Bắt chước Ngài, ta cũng cần cầu nguyện cách kín đáo, liên lỷ. Cầu nguyện trong khi vui mừng, hạnh phúc, cầu nguyện khi thất vọng, gian nan. Cậu nguyện mọi nơi mọi lúc.

Đức tin ở đâu ?

Trong những thăng trầm của cuộc sống. Ta nhớ hành trình đức tin chẳng khác gì cuộc đời lữ hành này. Có ngày thật đẹp, thật bình an. Nhưng cũng có ngày u buồn, tăm tối. Nhưng ta hãy bám vào Thiên Chúa. Người sẽ bổ sức cho, để đức tin của ta mỗi ngày một trưởng hơn, nhờ vào việc mở lòng ra đón nhận cuộc sống, là một hồng ân cho đời ta.

 Muốn sống trong ân sủng của Thiên Chúa tình yêu, ta, dĩ nhiên cần ra khỏi con người của mình.

Nếu ta không biết trân trọng mà hoang phí thì ân sủng sẽ tàn.

Nếu ta chỉ biết thu gom tích trữ và mua sắm, chết cũng chẳng đem theo được.

Nếu ta biết cho đi, chia sẻ ân sủng thì ân sủng còn mãi. Vì ân sủng sinh ân sủng. Tình yêu sinh tình yêu. Sự sống phát sinh sự sống. Và đức mến ta sẽ đem theo được đến đời sau.

 

Thanh Thanh

Mục lục

 

 

 

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN NHÂN LÀNH

                                                                                               

NGÀY CẪU NGUYỆN ĐẶC BIỆT CHO CÁC CHỦ CHĂN TRONG GÍAO HỘI.

NGÀY CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI  (World Day of Prayer for Vocation).

KINH CẦU NGUYỆN CHO  CÁC LINH MỤC ĐỤƠC ƠN THÁNH HÓA.

KINH CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI (Vocation Prayer).

 

 Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh, thường được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Câu xướng trước Phúc Âm cuả các năm A, B và C đều trích trong Phúc Âm Thánh Gioan (10,14): “Ta là Mục tử nhân lành, Ta biết chiên của Ta, và chiên của Ta  biết Ta!” Các bài Phúc Âm năm A, B và C đều trích trong Phúc Âm của Thánh Gioan:10, 1-10 (Năm A); 10,11-18 (Năm B); 10, 27-30 (Năm C).

 

Trong các bài Tin Mừng trên đây, Chúa Giêsu xác định Ngừoi chính là cửa của đoàn chiên, và  cũng chính là người chăn chiên nhân lành. Chỉ những chủ chiên nào đi theo cửa của Ngừơi (theo đường lối của Người) mới là chủ chiên thật (Gioan 10,2).

 

Suy nghĩ về Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Cha M. D. Phillippe, O.P. viết những lời suy niệm sau đây:

 

“Mọi công việc trong cuộc đời truyền giáo của Chúa Kitô, vị Chủ Chăn Nhân Lành, đều đơn  giản là những công việc của tình thương xót đối với đoàn chiên, đối với mọi người. Tuy nhiên, chính nơi cơn “hấp hối” tại vườn  “Cây Dầu” và trên Thánh Giá mà chúng ta cảm nghiệm được trọn vẹn Lòng Thương Xót của Chúa.

 

“Mọi khổ đau của những người tội lỗi, mọi hậu quả của tội lỗi, Chúa Kitô đều vui lòng mang lấy vào mình. Không một khổ đau nào của nhân loại xa lạ với Chúa Kitô. Người thấu suốt tất cả và mang lấy tất cả vào trong thâm sâu của trái tim Người. Người đã sống những giây phút thật căng thẳng mà không ai có thể cảm nghiệm được. Người mang lấy tất cả vì tình yêu vô biên đối với mọi người chúng ta. Tình thương xót của Chúa thật huyền diệu và đi đến tuyệt đỉnh!

 

“Là vị Mục Tử nhân lành, Chúa Kitô biết những điều Người phải làm. Người biết từng con chiên với những yếu đuối và những nhu cầu của từng con chiên. Người biết rằng để trở nên một Mục Tử nhân lành theo đúng ý nghĩa, người chủ chăn phải yêu mạng sống của con chiên hơn mạng sống của mình; phải muốn đặt mình vào hạng những người tội lỗi, vào hạng những người bị ruồng bỏ để có thể cứu vớt mọi người; phải dám ‘tự hủy ra không’ để có thể chấp nhận mọi bất hạnh, khinh chê, và bị coi như tầm thường hơn hết mọi người!

 

Khổ hình Thập Giá với ý nghĩa đặc biệt trọn vẹn của khổ đau để cứu chuộc, đã tỏ cho chúng ta thấy rõ tình thương xót vô biên của Chúa. Không từ chối gì cả, Người đã chấp nhận mọi khổ đau, mọi nhục nhã, mọi gánh nặng tới mức không còn có thể chịu đựng hơn được nữa. Như vậy, lòng Thương Xót của Chúa không phải chỉ ở chỗ tìm đến để giúp đỡ những người yếu đuối , mà còn ở chỗ, như một người mẹ, cúi mình xuống tận những kẻ đã sa ngã và cúi xuống sâu hơn họ để cứu vớt họ và nâng họ lên (chứ không phải kéo họ lên ; Người đã vác con chiên lạc lên vai và đưa về đoàn,  đưa  về lại cuộc sống).

 

Tự hạ mình xuống sâu thẳm,  Chúa Kitô đã muốn bị coi như kẻ đáng tội hơn cả Babara (Mat-theu 27,16...), như một kẻ tội phạm công khai, như một kẻ nói phạm thượng, như một kẻ thù của lề luật Moise, kẻ không chịu giữ ngày Sabat, một kẻ nguy hiểm quấy phá dân chúng. Hơn nữa, Chúa Kitô còn muốn trở nên như một đồ vật mà người ta che mắt không dám nhìn, đến nỗi khi đã chết rồi còn bị người ta đâm vào cạnh sườn thấu tới trái tim.

 

“Như vậy, Tình thương xót của Chúa là một thực thể bao quát tất cả con người , không một chi thể nào trong thân thể của Người  không bị thương tích, và linh hồn Người cảm thấy buồn sầu đến chết đi trong cơn hấp hối (Mat-thêu 26,38).

 

Hy lễ thập giá thật là một sự tôn thờ tuyệt đỉnh và cũng biểu lộ tình Chúa thương xót đến tuyệt đỉnh. Nơi trái tim của Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá vừa mang sự Thờ Phượng (Chúa Cha), vừa mang tình thương xót nhân loại như anh em để giúp đỡ họ, an ủi họ, chuộc lấy mọi tội lỗi của họ và đem lại cho họ nguồn sống mới.” (Dịch theo bản tiếng Anh, trong Magnificat, April 2005, Fourth Sunday of Easter; những chữ ở ngoặc đơn là chú thích của người dịch).

 

Ðọc những dòng trên đây, chúng ta càng hiểu biết sâu xa hơn tình thương xót cuả Chúa Giêsu, Ðấng Chăn chiên nhân lành, đối với đoàn chiên như thế nào, đến nỗi đã chấp nhận mọi khổ đau đến cùng cực và đổ đến giọt máu cuối cùng cho đoàn chiên của Chúa! Và khi không còn sống ở trần gian nữa, Người vẫn tiếp tục “nuôi sống đoàn con” bằng chính Mình và Máu Thánh Người hiện diện thật sự trong Hình Bánh và Hình Rượu (Bí tích Thánh Thể), và thánh hóa đoàn chiên bằng các “phép Bí tích nhiệm mầu.”

 

Thực sự, qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu vẫn ở với Giáo Hội “ mọi ngày cho đến tận thế!”( Mattheu 28,20) Chúa Giêsu vẫn là vị Chủ Chăn chính điều hành Giáo Hội và qua các thời đại Chúa luôn luôn dẫn dắt đoàn chiên Chúa nhờ sự lãnh đạo của các vị chủ chăn Chúa chọn. Chúa đã chọn Thánh Phêrô và các Thánh Tông đồ và thành lập Giáo Hội Chúa kể từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Ngài và thánh hóa các Ngài. Từ đó, qua từng thế kỷ, Chúa vẫn tiếp tục gọi và chọn một số người để làm Chủ chiên chăn dắt Ðoàn chiên Chúa.

 

Chúa chọn ai?

 

“Chúa chọn những người mà Chúa muốn (Matco 3,13 ) và trao cho những nhiệm vụ theo Thánh ý Chúa: Người thì làm Tông đồ, người thì làm Ngôn sứ, người thì chuyên rao giảng Tin mừng, người chuyên lo việc quản trị và giảng dạy... (Thơ Epheso 4,11). Không ai có quyền đặt mình vào địa vị trong Giáo Hội, nhưng tất cả đều do Chúa chọn và cắt đặt .

 

“Nhưng tại sao Chúa chọn con?”

 

Vào những ngày sắp chịu chức Linh Mục, theo sự hướng dẫn của Cha Linh hướng và Cha Giảng Phòng (giảng tĩnh tâm để chuẩn bị chịu chức Linh mục) tôi thường cầu nguyện và nói thầm với Chúa: “Tại sao Chúa chọn con?”... Rồi vào ngày Lễ Truyền Chức cũng như dịp Lễ “Mở Tay” (Lễ Tạ Ơn) tôi thật cảm động khi nghe ca đoàn hát: “Không phải vì con Chúa chọn con! Nhưng vì bí nhiệm tình yêu Chúa!.

 

Vâng, “không phải vì con Chúa chọn con” nhưng Chúa chọn “những ai mà Chúa muốn” (Matcô 3,13), sau khi Chúa đã lên núi một mình để cầu nguyện suốt đêm ( Luca 6,12 ). Ðó thật là một sự kỳ diệu của Ơn Gọi theo Thánh Ý Chúa. Chúa gọi Phêrô dù Ông đã “chối Chúa tới ba lần dù Chúa đã cảnh cáo Ông trước!” và lại còn đặt Ông làm Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Chúa đã chọn Phaolô ngay trên con đường Ông đi tìm bắt và bách hại đoàn chiên non trẻ của Chúa! Và suốt đời Ông vẫn phải mang những “yếu đuối” của mình ‘Ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối!’... (2 Cor. 11,29 ) Mọi người được Chúa gọi và chọn đều cảm thấy mình bất xứng và thật lo lắng trước trách nhiệm được trao phó”  như Ðức Ðương Kim Giáo Hoàng Benedicto XVI, khi được bầu chọn lên ngôi Giáo Hoàng, trong “Lời Tâm Tình Ðầu Tiên của Ngài” cũng chia sẻ kinh nghiệm đó: “Tôi cảm thấy bất xứng và... thật lo lắng trước trách nhiệm được trao phó...” nhưng “Ơn Chúa đủ cho tôi!”  (2Cor. 12,9…); nên Ðức Giáo Hoàng cũng nói tiếp: “Tôi cảm thấy như bàn tay quyền năng của Thiên Chúa nắm chặt lấy tay tôi. Tôi như nhìn thấy ánh mắt tươi cười của Chúa và lắng nghe Chúa nói với tôi đặc biệt vào lúc này: “Con đừng sợ!”. Với tâm tình đó, những người được chọn đều khiêm tốn như Mẹ Maria để thưa lời “Xin Vâng!”.

 

Như vậy, chúng ta mới hiểu tại sao Chúa Giêsu đã “lên núi thức suốt đêm để cầu nguyện” (Luca 6,12) trước khi chọn các Tông đồ. Hơn nữa trong đêm trước khi tự trao mình để chịu cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa  đã cúi mình xuống để rửa chân cho các Tông đồ để dạy cho các Ông  bài hoc phục vụ trong khiêm tốn  và Chúa đã tâm tình và căn dặn các tông đồ nhiều điều mà Phúc Âm theo Thánh Gioan đã ghi lại suốt các đoạn 13, 14, 15; còn toàn đoạn 17 ghi lại những lời Chúa Giêsu cầu nguyện thiết tha với Ðức Chúa Cha cho các Tông đồ đang hiện diện, cũng như cho các Chủ chăn qua mọi thời đại; đặc biệt trong câu “Con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian; nhưng xin gìn giữ họ khỏi mọi sự dữ!” (Gioan, 17,15).

 

Trong thời gian giúp các giáo xứ Hoa Kỳ, khi gặp gỡ Giáo dân, thường có những người sau khi chào hỏi đã nói với tôi một cách thân tình “Thank you Father for being a priest!” (Cám ơn Cha đã là một Linh Mục!”. Chúng ta thường có lòng yêu mến và hằng cầu nguyện cho các chủ chăn trong Giáo hội; nhưng đặc biệt trong ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, chúng ta hãy dâng nhiều hy sinh và lời cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng cũng như cho các chủ chăn trong toàn thể Giáo Hội, cách riêng các chủ chăn Chúa sai đến làm việc giữa chúng ta.

 

Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh cũng là Ngày Thế Giới đặc biệt cầu nguyện cho Ơn Gọi (World Day of Prayer for Vocations): Trong Thánh lễ cũng như trong các kinh nguyện, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện cho có nhiều người được Chúa gọi và chọn để trở nên các nhà Truyền giáo và Chủ Chăn để rao giảng và chăn dắt Ðoàn chiên Chúa.Chúng ta cũng  cầu xin với  Mẹ Maria, Mẹ Hàng Gíao Sĩ, chuyển cầu cho chúng ta.

 

KINH  CẦU  CHO  CÁC  LINH  MỤC.

 

   Lạy Chúa Giêsu/ là linh mục cao trọng, là Đấng tế lễ đời đời. Bởi lòng quá yêu dấu loài người là anh em của Chúa, nên Chúa đã mở kho tàng Trái Tin cực thánh Chúa, mà lập ra chức vị linh mục, thì nay chúng tôi cũng xin Chúa khấn đổ vào lòng các linh mục / nhửng dòng nước trường sinh / bởi lòng thương yêu vô cùng Trái Tim Chúa.

       Xin Chúa sống trong mình các linh mục/ và dùng các Ngài, mà ban phát ơn lành của lòng thương xót Chúa. Xin Chúa hành động với các linh mục, và dùng các Ngài/ mà hành động trong thế gian.

 Lại xin Chúa làm cho các linh mục được hoàn toàn giống Chúa, mà trung thành bắt chước các nhân đức cao trọng của Chúa, để nhân danh Chúa/ và nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần, các Đấng ấy nhiệt thành/ làm những việc xưa Chúa đã làm/ mà cứu người ta cho được rỗi.

 Lạy Đấng Cứu Chuộc loài người! Xin Chúa nhìn xem biết bao nhiêu kẻ /đang nằm trong bóng tối tăm lầm lạc. Xin Chúa xem đến vô số giáo hữu theo đường tội lỗi/ hòng sa xuống vực sâu.

 Xin Chúa trông đến biết bao người bần cùng đói khát, những người dốt nát mê muội, và nhửng kẻ yếu đuối nhát hèn/ đang rên rỉ than khóc/ vì không có linh mục coi sóc, giữ gìn.

 Xin Chúa dùng các linh mục mà ở lại với chúng con. Xin Chúa sống trong mình các linh mục, và dùng các Ngài mà hành động, và trở lại dưới thế gian này/ mà dạy dỗ, tha thứ, yên ủi, tế lễ/ và kết hợp mối tình yêu mến, ràng buộc lòng Chúa với loài người chúng con cho đến trọn đời. Amen

 

KINH CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI

 

Lạy Thiên Chúa chí ái, Giáo Hội Chúa đã được Chúa thương ban cho những linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, các thành viên tu hội đời, các tông đồ giáo dân / luôn tận hiến để  hằng ngày đem Chúa đến cho mọi ngừơi trên  khắp thế giới . Xin Chúa giúp các vị đó  luôn kiên cường  trong sứ vụ. Xin Chúa cũng kêu gọi thêm nhiều người  cùng tham gia trong công cuộc phục vụ dân Chúa . Amen.

Lm. Anphong Trần Ðức Phương

Mục lục

 

DẤU LẶNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG

 

Có lẽ hôm nay khi nằm trên giường bệnh của khoa cấp cứu Bệnh viện 175, ông Đỗ Văn Phú đã có thể hài lòng về bốn đứa con mình, nhất là cậu trai đầu lòng : Đổ Đức Phước.

 

Anh ấy đã sống tốt đẹp, đẹp như cái tên “Đức Phước” đầy ý nghĩa mà cha mẹ đặt cho. Đẹp như tinh thần Tin Mừng mà Chúa Kitô đã và đang gieo vãi nơi con cái người khắp nhân loại.

 

Có lẽ Chúa đã chọn Đỗ Đức Phước tỏa sáng Tin Mừng một cách âm thầm, giản đơn như con đom đóm trong đêm. Nhỏ nhoi thôi mà tỏa sáng cho đời cho ánh sáng Phúc Âm ngày càng có sức sống bền chặt nơi những con người cần lao, bình dị.

 

Là con cả trong một gia đình bình thường như bao gia đình Công Giáo bình thường nghèo khó khác. Phước ý thức được trách nhiệm của mình. Cậu cố gắng học một cái nghề để nuôi than. Nhưng cậu cũng xác tín rằng “Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Chúa phán ra”  và “ Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

 

Cậu học nghề thợ xây, cái nghề mà người ta cho là bạc bẽo, vì đi xây cho người khác những tòa nhà khang trang lộng lẫy, mà chính họ thì thường không có được căn nhà ra hồn. Ấy vậy mà ai yêu nghề thì nghề không phụ. Phước phụ cha mẹ chăm nuôi các em, lập gia đình, có được mái ấm với hai con cũng từ cái nghề bạc bẽo ấy.

 

Nhà của Phước nho nhỏ, nép dưới tán một cây bàng, nhìn ra nghĩa địa mênh mang, nơi mà mẹ bé Xương Thủy Tinh, người hàng xóm của Phước đã đặt cho một cái tên ngồ ngộ là “Ba Sung Sướng” .

 

Gọi như thế là vì nơi ấy tụ tập tất cả mọi mặt “sung sướng” của những con người nghèo khó. Họ là những người thất nghiệp, di dân, sống nay đây mai đó trong những nơi “nhà không số, phố không tên”. Họ tụ tập ở ngã ba này để “tám” đủ thứ chuyện trên đời, rồi cãi vã nhau, đánh nhau, hút sách, đánh bài, cà phê hai ngàn một ly, đoán số đề, và bàn thời sự quốc tế, v.v. ngay trên những nấm mồ.

 

Sống ở một nơi như thế, gia đình Phước vẫn cố ngơi lên như sen giữa bùn. Dù hòa đồng với mọi người, nhưng không hòa tan trong những giòng chảy ô hợp, đen đúa.

 

Hằng ngày Phước đi xây. Vợ ở nhà nhận trông thêm vài đứa trẻ. Hai đứa con Phước là những học sinh chăm ngoan và gỉỏi.

 

Ngày qua ngày, mọi việc cứ nhẹ nhàng trôi theo giòng đời như vậy, cho đến khi có một biến cố xảy ra. Biến cố để mọi người dường như bừng tỉnh, để nhận ra mình may mắn vì đang sống cạnh một con người, như viên ngọc thô mộc chẳng hề được giũa mài. Và người ấy là con cái Thiên Chúa, một chứng nhân như “ dấu lặng giữa đời thường”.

 

Một ngày nọ khoảng hai giờ chiều. Phước nghỉ ở nhà không đi làm, cũng định bụng nghỉ ngơi thì một biến cố xảy ra. Căn nhà sát vách với nhà Phước không biết vì lý do gì phát cháy, ngọn lửa bốc lên cao. Cái ở khóa ti đùng án ngữ căn nhà đang bốc lửa không cho mọi người vào cứu nạn.

 

Có tiếng khóc, tiếng la hét của trẻ thơ vang lên. Trong nhà ấy hình như có một đứa trẻ. Chủ nhà đi làm, khóa cửa nhốt con trong trong đó. Họ mới chuyển về ở “ngã ba sung sướng” này, cho nên cũng chưa quen biết ai mấy.

 

Cả khu phố náo loạn xôn xao. Ai cũng lo nghĩ đến mình trước. Họ vội vã dọn đồ nhà mình cho mau. Người chạy qua, kẻ chạy lại, ồn ào, bát nháo như cái chợ vỡ.

 

Đúng lúc ấy Phước choàng tỉnh, bởi độ nóng, bởi tiếng la. Anh nhận ra tình hình rất nhanh, chỉ kịp hét vợ đưa các con ra ngoài rồi lao sang nhà hàng xóm. Vạt đám đông hỗn loạn đang tụ tập ở “ Ngã ba sung sướng”. Phước xông vào đám cháy không chút do dự, không còn thì giờ nghĩ tới ngọn lửa có thể nuốt chửng bản thân mình. Anh xông vào căn nhà đang bốc cháy. Cái ở khóa bị phá tung bởi anh thợ hồ dũng cảm. Băng qua ngọn lửa, chụp lấy đứa trẻ gần như lả đi vì sợ hãi. Phước bồng đứa trẻ chạy bay ra ngoài. Tấm lưng to bè của anh thợ xây thành mộc thành khiên che chở cho đứa bé.Trao em bé cho  nấy người phụ nữ đang la khóc bên ngoài. Phước lại lao vào căn nhà. Tài sản của người ta là mồ hôi, là nước mắt, anh cố gắng cứu lấy bao nhiêu có thể cho khổ chủ, những người cũng nghèo khổ như anh.

 

Lúc  này đám đông như bừng tỉnh. Họ bị hành động dũng cảm của Phước kéo đi. Ai nấy hè nhau mang xô chậu ra hứng nước tạt vào ngọn lửa hung hăng bên nhà. Vợ Phước cũng tích cực tham gia cứu hỏa, kéo ống, bật máy bơm, dòng nước trắng xóa trùm lên. Với sự tích cực chữa cháy của bà con lối xóm “Ngã Ba sung sướng”, bà hỏa xấu hổ cuốn gói ra đi. Cánh đàn ông con trai lụi hụi chuyển đồ của ngôi nhà bị nạn ra ngoài. Các bà các cô phụ dọn dẹp rền rĩ xót xa dùm gia chủ.

 

Cha mẹ của đứa trẻ đi làm về ôm choàng lấy con. Nước mắt chan hòa. Thôi thì “của đi thay người”. Họ vẫn chưa biết ai đã hy sinh  lao vào ngọn lửa cứu con mình. Công an dân phòng nhận tin đến lập biên bản. Khi người ta vây quanh hỏi anh. Anh chàng thợ xây cười hiền ổn ển : “Dạ có gì đâu ! Thấy việc phải làm thì làm thôi mà. Có gì đáng nói đâu chứ”. Nhưng chính trong thâm tâm anh thợ hồ ấy càng xác tín rằng : “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Bản danh sách các thanh niên tiên tiến Huyện Hóc Môn ghi thêm một cái tên mới : Đỗ Đức Phước.

 

Cậu ấy ở xóm Gò Mả, biệt danh “ Ngã ba sung sướng” , xã Đông Thạnh, Hóc Môn, sinh hoạt ở cộng đoàn Giáo xứ Tân Đông các bạn ạ !

 

Sion ghi nhận

 

Mục lục

 

 

Bên bờ đời sống

 

Nhiều người tâm sự tình trạng đời sống gia đình gặp khủng hoảng khó khăn về công ăn việc làm, về nuôi nấng dậy dỗ con cái bạn trẻ, về liên hệ tương quan vợ chồng trong gia đình, trong họ hàng, giữa bạn bè có nhiều hiểu lầm, xung khắc, và có nguy cơ dần đi đến chỗ lạnh nhạt xa nhau; rồi cũng có những trường hợp khủng hoảng xung khắc với Giáo hội, với niềm tin đạo giáo nữa.

 

Những hoàn cảnh đó xảy ra không ít. Và điều đó như gắn liền với đời sống xưa nay của con người!

 

Nó làm cho con người lâm vào hoài nghi lo lắng, không biết phải đối xử thế nào cho đúng và làm sao bước thoát ra khỏi hoàn cảnh phức tạp đó.

 

Những chỉ dẫn tâm lý cùng đạo đức cũng như kinh nghiệm thực tế về cung cách giải quyết vấn đề xưa nay có nhiều cùng rất khác biệt nhau, tùy từng hoàn cảnh cụ thể, không trường hợp nào giống trường hợp nào.

 

Cũng có những trường hợp, không phải là buông xuôi theo số mệnh, việc khủng hoảng khó khăn bỗng tự nhiên tự giải quyết thật bất ngờ. Kinh nghiệm này hầu như ai cũng đã đều có ít nhiều trong đời sống.

 

Có những trường hợp khó khăn khủng hoảng xảy ra vào một giai đoạn thời gian. Khi giai đoạn thời gian đó qua đi, vấn đề cũng tự nhiên được giải quyết, mà trước đó một thời gian dài tưởng như không sao giải quyết nổi!

 

Có những nố khó khăn khủng hoảng do tâm tính hay do sự hiểu biết giới hạn của con người sinh ra. Những trường hợp này nhiều khi được giải quyết thuận lợi, khi tầm nhìn hiểu biết được rộng mở ra.

 

Như thế, không có một công thức sẵn có nhất định nào cho việc giải quyết khó khăn khủng hoảng. Nhưng cần có lòng kiên nhẫn chờ đợi, đừng bao giờ vội nản lòng bỏ cuộc.

 

Trong cuộc chơi thi đấu thể thao, và ngay cả trong đời sống học hành làm việc, người Đức có câu ngạn ngữ: „ Am Ball bleiben – Bám theo sát trái banh, công việc đang làm!“, khuyến khích cổ vũ con người cố gắng vươn lên vượt qua khó khăn thử thách sẽ đi đến thành công.

 

Ernest Hemmingwag trong tiểu thuyết „ Ngư ông và biển cả“ thuật lại chuyện một ngư ông đi ngoài biển ròng rã 84 ngày đêm không câu được một con cá nào. Dẫu vẫy, ông ta cứ kiên nhẫn lênh đênh câu cá. Sau 84 ngày bỗng ông câu được con cá mập dài to hơn thuyền của ông. Với thịt con cá đó, đã giúp ông sống sót lênh đênh trên thuyền hằng tháng trời. Chưa hết, trên biển cả ông phải chiến đấu với sóng gió, với những con cá mập khác rình rập tấn công thuyền của ông. Nhưng ông kiên nhẫn giữ vững cột buồm chèo chống lái thuyền .Và sau cùng ông đã thoát nạn ngoài biển cả cập bến bờ bình an. Khi vào đến bờ bến, Ông thốt lên: „ Con người không được vội bỏ cuộc đầu hàng!“.

 

Ngày xưa, các Tông đồ Chúa Giêsu, sau một đêm dài mệt nhọc thả lưới đánh cá, nhưng không thành công bắt được con cá nào. Các Ông cũng lo lắng thất vọng. Ngay lúc đó, Chúa Giêsu sống lại hiện đến đứng bên bờ biển. Ngài bảo các Ông đừng vội thất vọng nản chí, nhưng hãy thả lưới lại lần nữa. Tin lời Chúa Giêsu, các Ông ra khơi tung quăng lưới. Kết qủa thật bất ngờ: mẻ lưới đầy cá.

 

Trong đời sống, dĩ nhiên cần lòng kiên nhẫn, nhưng còn cần lòng tin tưởng hơn nữa. Đời sống không do tự chính ta làm ra. Đời sống con người được tạo dựng hướng dẫn do bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

 

Những khủng hoảng khó khăn xảy đến trong đời sống gây hoang mang có khi nản chí, nhưng không phải đời sống đã đến chỗ tận cùng đâu. Trái lại đời sống vẫn còn tiếp tục mãi trong sự quan phòng của Đấng tạo dựng nên đời sống con người: Thiên Chúa đứng bên bờ đời sống!

 

Không có một công thức máy móc sẵn nào để giải quyết hóa giải những hoài nghi khó khăn trong đời sống.

 

Nhưng lòng tin tưởng vào Thiên Chúa giúp con người tìm thấy ánh sáng niềm hy vọng cho hôm qua, hôm nay và ngày mai.

 

Lm. Nguyễn ngọc Long

Mục lục

TÀI LIỆU TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN NHA TRANG

 

BÀI V

HIỆP THÔNG LINH MỤC

 

Sau mối tương quan với giám mục, chúng ta hãy bàn về mối tương quan giữa linh mục với nhau, mối tương quan thường được gọi là hiệp thông linh mục.


Tôi sực nhớ đến mẫu gương Ðức Gioan Phaolô II đã xin lỗi người Do Thái và nghĩ rằng linh mục chúng ta cũng cần một khoảnh khắc nào đó để xin lỗi Chúa và xin lỗi nhau về tất cả những sứt mẻ mà chúng ta đã gây ra cho nhau để từ đó chúng ta bắt đầu một trang sử mới ghi lại tình huynh đệ linh mục cách sâu xa, chân thành và thánh thiện hơn. Chúng ta có thể mạnh dạn phát biểu rằng sức khoẻ Giáo phận Nha trang thân yêu của chúng ta lệ thuộc phần lớn vào thái độ hiệp thông của linh mục chúng ta.


Con xin tiếp cận đề tài hiệp thông linh mục dưới ba tiêu điểm. Tiêu điểm thứ nhất có tính cách tích cực, đó là tầm quan trọng của hiệp thông linh mục; tiêu điểm thứ hai, đó là khía cạnh tiêu cực : những biểu hiện phản hiệp thông chúng ta thường gặp nhất.


1. Ý NGHĨA THẦN HỌC CỦA HIỆP THÔNG LINH MỤC


Trên thế giới hay trong xã hội, trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, chúng ta đã nghe nói rất nhiều đến tình huynh đệ, tình liên đới, Và người ta thường tán dương những mối quan hệ đó bằng những mỹ từ như tình hữu nghị nào là lâu đời nào là bền vững. Nhưng thực tế cho chúng ta thấy rằng những mối tình đó rất mong manh vì đa số chúng đều được xây dựng trên tương quan sức mạnh và tư lợi.
Tình hiệp thông của chúng ta sâu xa hơn thế nhiều vì nó được xây dựng trên lệnh truyền, trên lời trăn trối sau cùng của Chúa Giêsu. Khi làm di chúc, chúng ta thường nghĩ đến những tài sản vật chất chúng ta để lại sau khi chết. Và rất nhiều trường hợp những người thừa kế tranh chấp nhau, thậm chí thanh toán nhau đẫm máu. Nhưng Chúa Giêsu không hề đề cập đến của cải thế gian trước khi tử nạn. Ðối tượng chính trong bản di chúc của Người chính là các môn đệ, là linh mục chúng ta. Trong lời trăn trối sau cùng, Người không nhắc đến gia đình huyết tộc. Người chỉ quan tâm tới linh tộc của Người, những đứa con tinh thần và những ai Người đã chọn để kế tục sự nghiệp cứu thế của Người.


Trong đêm cuối cùng, Người đã gọi môn đệ là bạn hữu, nghĩa là ngài nâng họ lên một tầm cao mới là mối quan hệ đồng đẳng và đã khẳng định đó là tột đỉnh của tình yêu: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng cho bạn hữu". Nội dung chính bản di chúc của Người là tình hiệp nhất yêu thương theo mẫu gương của Ngài : "Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu".


Có một bản thăm dò đã khá lâu cho thấy rằng đoạn Thánh Kinh được linh mục ưa thích nhất đó là lời nguyện hiến tế của Giêsu trong Phúc Âm Gioan. Không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì qua hình tượng của các tông đồ, các linh mục cảm thấy mình được Chúa Giêsu quan tâm cách đặc biệt, nhất là qua đó Chúa Giêsu phản chiếu được sự hiệp thông mà ai trong chúng ta cũng đều mơ ước. Thánh Phaolô kể lại rằng chính vào giờ phút bị phản bội, "trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh, bẻ ra trao cho cho các môn đệ mà nói : tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn". Diễn tả một cách mộc mạc, ta có thể nói rằng lúc bị chơi xấu nhất là lúc Chúa đã chơi đẹp nhất.


Còn lời biện minh nào mạnh mẽ hơn, còn lời kêu gọi nào tha thiết hơn để linh mục chúng ta yêu thương nhau?
Thật ra không phải chỉ có Chúa Giêsu mới quan tâm đến tình hiệp thông linh mục. Giáo dân, thành phần đa số của Giáo Hội cũng rất muốn thấy các linh mục yêu thương nhau. Càng thấy các cha quảng đại với nhau họ càng quý, càng hài lòng. Họ cũng rất vui khi các cha hiện diện bên cạnh nhau. Không hiệp thông với nhau chúng ta phụ lòng giáo dân biết bao ?


Không chỉ giáo dân mà thôi. Người bên lương và thậm chí cán bộ nhà nước cũng cảm nhận được nét đẹp đó. Sau lễ truyền chức linh mục của con tại Phan rang có cha hỏi ông Cầm trưởng ban tôn giáo xem có cảm tưởng thế nào khi tham dự, ông ta đã phát biểu rằng ông thích nhất là lúc các cha ôm hôn chúc bình an cho tân linh mục. Chứng tỏ rằng có một cái gì đó thiêng liêng cao quí toát ra từ mối dây hiệp thông của hàng linh mục.


Tông Huấn "Pastores dabo vobis" số 17, đã diễn tả mối quan hệ hiệp thông linh mục bằng ngôn ngữ mật thiết của gia đình : " Khi được sát nhập vào hàng linh mục, linh mục làm thành một đơn vị có thể định nghĩa như một gia đình thật sự".


Qua những ý tưởng trên đây, chúng ta hiểu được rằng từ Chúa Giêsu, từ Giáo Hội cho chí giáo dân và thậm chí người bên lương, tất cả đều ước mong linh mục sống với nhau như anh em một nhà.

 

2. KỲ THỊ : KẺ THÙ CỦA HIỆP THÔNG


Nói đến hiệp thông là nói đến phản hiệp thông. Thủ phạm số một phá hủy hiệp thông là kỳ thị. Ở đây chúng ta gặp lại triết học về sự khác biệt. Chúa sinh chúng ta ra không ai giống ai. Gốc gác hoàn cảnh. Ở các nước tiên tiến phương Tây, người ta xem sự khác biệt là yếu tố làm cho xã hội con người được phong phú. Viễn ảnh đẹp nhất của Công vụ tông đồ là viễn ảnh mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi màu da qui tụ thành một khối duy nhất. Và đó cũng chính là mơ ước của Chúa Giêsu. "Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian". Ðang khi tại các nước đó, năng lực trên hết thì tại VN kỳ thị trên hết. Người VN ở ngoại quốc không chịu được cảnh con gái lấy người da màu. Cơ quan nhận người dựa vào lý lịch. Trên chính trường người ta phải chọn từ ba miền khác nhau ba vai lớn trong nước.


Trong giới công giáo chúng ta cũng chẳng khá hơn. Ðủ mọi thứ kỳ thị đang gặm nhắm và làm suy yếu Giáo Hội. Hình thức kỳ thị thường gặp nhất là tinh thần cục bộ địa phương. Tôi có một người đàn anh lớn hơn tôi một lớp, nhưng lại chịu chức sau. Ngày anh ta chịu chức có người hỏi sao muộn màng thế, anh ta nói nửa đùa nửa thật rằng : "mình tao gốc địa phận A, ở nhằm biệt khu gôc B nên chả có ma dại nào đệ bạt". Những biệt khu như vậy nhan nhản khắp nơi trong giáo hội VN. Thậm chí có khi chúng ta kỳ thị hơn cả người giáo dân và trong xã hội.


Tình trạng đau lòng đó đòi chúng ta phải can đảm mổ xẻ vấn đề cách nghiêm túc. Tôi nghĩ rằng kỳ thị là một điều không có cơ sở tồn tại. Ða số các cháu Việt nam thế hệ ba ở hải ngoại thích làm người dân của nước tiên tiến hơn là công dân Việt nam. Như vậy địa phương là một cái gì rất tương đối. Không phải chúng ta phải tẩy chay tình đồng hương, nhưng tình đồng hương chỉ đẹp và đáng khuyến khích khi nó tạo thêm nét phong phú. Nếu nó là kỳ thị thì nó trở thành tiêu cực. Ranh giới địa dư chỉ là ranh giới ảo nhưng nhiều khi nó chia cách tâm trí con người.


Trên thế giới nhiều nơi đang xoá dần ranh giới quốc gia, chủng tộc để tiến đến một căn cước mang tính rộng lớn hơn ở cấp lục địa. Cộng đồng kinh tế Âu châu, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, cộng đồng các nước Ðông Nam á là những ví dụ điển hình. Thế mà chúng ta lại nhân danh gốc gác địa phương cấp tỉnh để kỳ thị thì quả là chúng ta đi ngược xu thế của nhân loại. Cũng vì vậy mà lần nào ở Pháp dấy lên vấn đề kỳ thị dân nhập cư, cũng thấy xuất hiện biểu ngữ "tất cả chúng ta đều là nhập cư". Người VN hầu hết trước đây đều từ ngoài Bắc vô, thế mà bây giờ người ta phân biệt gốc này gốc nọ thì thật là vô lý quá.
Kỳ thị về trình độ cũng phi lý như thế. Mọi người chúng ta vào đời cũng đều trần truồng như ông Gióp. Giỏi hay dở, giầu hay nghèo đâu phải tự chúng ta tạo ra. Tất cả vốn liếng chúng ta có được đều là do Chúa ban. Vậy chúng ta dựa vào đâu để khinh miệt người thua kém chúng ta?


Kỳ thị thế hệ, già than phiền trẻ, trẻ than phiền già cũng là kẻ thù của tình liên đới linh mục. Tất cả chúng ta rồi cũng sẽ già. Nếu chúng ta không tập quen với những suy nghĩ hài hoà thế hệ, chúng ta cũng sẽ làm phân tán sức mạnh của linh mục đoàn.


Tắt một lời, tất cả mọi thứ kỳ thị đều không có lý do tồn tại và tự nó là phản Tin Mừng. Ở sâu xa vấn đề những người có chủ trương kỳ thị là những người muốn độc chiếm một cái gì đó. Kỳ thị chỉ là cái cớ để loại trừ người này người nọ vì sợ họ chiếm mất chỗ mình muốn hoặc đe dọa nguồn lợi mình toan tính.


3. CHUYỂN XỨ VÀ HIỆP THÔNG LINH MỤC


Chỉ nói về những tiêu cực mà thôi là thiếu công bằng. Tôi đã thấy một cha nọ, gia đình đã đi Mỹ trọn gói, chỉ một mình ngài ở lại VN. Tiền bạc ngài rất dồi dào vì được cả dòng họ ở hải ngoại yểm trợ. Nhưng ngài đã dùng tất cả những nguồn tài trợ đó vào việc xây dựng giáo xứ do ngài coi sóc. Ngày được lệnh đổi xứ, ngài chỉ mang theo vừa đúng một chiếc cartable. Cha kế nhiệm ngài xúc động quá, đã gom một số đồ đạc ngài để lại chở về xứ mới cho ngài. Ngài từ chối và yêu cầu cha kế nhiệm đưa về cho nhà chung.
Những mẫu gương thoát tục như vậy không phải là hiếm. Chúng ta có quyền kiêu hãnh và chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã dùng sức mạnh Thánh Thần để cấu tạo những linh mục đáng khâm phục như thế. Nhưng nếu chỉ nói những điều tích cực mà thôi thì cũng không công bằng. Không thể phủ nhận rằng đã xảy ra những chuyện đau lòng cho tình anh em linh mục qua những lần đổi xứ. Tôi không nói riêng một địa phận nào bởi vì chúng ta nghe nhan nhản khắp nơi.


Trước hết có thể vì chúng ta quá gắn bó với của cải thế gian nên vô tình chúng ta trọng của hơn trọng người. (...) Vì đặt nặng vấn đề tiền bạc nên nhiều khi cha xứ trước không màng gì cha đến sau mình.
Một hình thức lỗi hiệp thông nữa cũng thường gặp là các cha xứ thường có ý chứng tỏ rằng "trước và sau mình chẳng ai bằng mình". Cũng vì nghĩ như vậy nên thường xảy ra cảnh các cha đi bêu riếu nói xấu nhau. Cũng có tình trạng cha cũ cứ về xứ cũ để nghe ngóng và để chê cha xứ mới. Ngược lại, cha xứ mới tìm cách khai tử những gì cha cũ đã làm.


Hãy nêu cao tinh thần hiệp thông mỗi lần đổi xứ. Phải quan niệm đổi xứ là dịp làm lại cuộc đời, chia sẻ gia sản giáo phận với anh em linh mục, chia sẻ tài năng với anh chị em giáo dân, nhất là để trắc nghiệm tinh thần thoát tục, lòng can đảm của linh mục.


Ở Âu châu, vì thiếu linh mục giáo quyền không có giải pháp nào khác hơn là gom nhiều xứ lại và đặt dưới sự điều hành của một cộng đoàn linh mục lo cho cả vùng. Người ta khám phá ra tằng linh mục triều không thể ở được với nhau. Muốn thương anh em phải có những suy nghĩ khoan dung về anh em. Hãy lấy tuần tĩnh tâm này làm mốc để xoá bàn.


Kết luận. Giáo Hội VN chúng ta được khai sinh từ một sự cộng tác. Ðọc lại lịch sử chúng ta thấy cùng một lúc vừa MEP, vừa Phanxico, Ða Minh, Dòng Tên, người Pháp, người Ý, người Tây Ban Nha làm việc bên cạnh nhau một cách hài hòa. Những vị thừa sai đến từ nhiều nước khác nhau đã sản sinh ra một giáo hội như VN.


Chúng ta phải sống tình hiệp thông linh mục thế nào để xứng đáng với di sản đó ?

 

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

Giáo dục gia đình :

SỰ LẠM DỤNG

 

Thoạt nghe từ lạm dụng, chúng ta vẫn nghĩ những gì xa vời và nặng nề về mắt thể lý và tình dục. Nhưng lạm dụng có rất nhiều hình thức và mức độ. Bất cứ sự lạm dụng nào cũng gây tổn thương và ảnh hưởng trên tâm lý và đời sống của trẻ con trong hiện tại và tương lai. Với khuôn khổ của bài này, xin được giới thiệu với quý vị những hình huống “ lạm dụng” có thể rất gần với cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

 

Lạm dụng hiểu một cách đơn giản là :

 

Làm hư, hai thể chất hay tinh thần của một người.

 

Đối tượng lạm dụng lần này xin được tập trung trên con trẻ. Người lạm dụng hầu hết là cha mẹ, anh chị, người thân, nhưng cũng không ít những trường hợp trẻ bị lạm dụng bởi thầy cô giáo, các vị bảo trợ.

 

Lạm dụng học sinh :Qua những lần tôi nói chuyện với một số giáo viên, nhiều người đã bức xúc chia sẽ những thao thức của mình khi được nghe hoặc trực tiếp chứng kiến những đồng nghiệp của mình đối xứ tệ với học sinh. Báo chí cũng đã nêu lên nhiều hình thức. Xin được đề cập đến những sự kiện có thật về lạm dụng trẻ như sau :

 

- Bắt trẻ xếp hàng lâu giờ dưới nắng, vừa mỏi chân, vừa nắng, vừa khát. Nên có những học sinh, có lẽ chưa té xỉu nhưng đã rã rời, mệt mỏi nhức đầu…

 

- Có vị bắt học trò vả vào mặt nhau thay cho hình phạt của cô thầy; tệ hơn nữa bắt học liếm ghế. Đây là nhục hình gây tổn thương trầm trọng.

 

- Có vị bắt học trò mang cái bảng nói dối hay ăn cắp đi quanh trường khi chưa điều tra biết chắc về hành vi.

 

- Có học sinh bị dán miệng bởi một miếng băng keo, có trường cô giáo đá tát học sinh 19 cái.

 

- Có trường cô giáo đánh học sinh đến mức bé phải nhập viện.

 

Còn biết bao hình phạt gây nhục nhã và đau đớn cho trẻ. Nghe qua mỗi chúng ta đều cảm thấy bất nhẫn và xót xa.

 

Đó là chuyện nhà trường, nhưng có lẽ còn đau đớn hơn, âm thầm và dai dẳng hơn là những vụ “lạm dụng” của những người cha, người mẹ đối với con em, khúc ruột của chính mình. Dù biết được, nhưng ai cũng cho rằng đó là chuyện riêng tư của mỗi gia đình và là cách dạy con, nêu đã không chú ý đủ đến hệ quả của cách đối xử, không can thiệp hay góp ý kịp thời. Sau đây là hai hình thức lạm dụng chính.

 

Lạm dụng thể lý :

 

1.Làm việc : Một loại lạm dụng đơn giản mà trong những gia đình lao động thường gặp, con trẻ phải phụ với cha mẹ việc nhà hay việc làm ăn, lắm lúc phụ huynh quên để ý đến tuổi tác và sức khoẻ, đã sai bảo chúng làm việc nặng, bưng xách, mang vác, phụ việc lâu giờ, bất trẻ thức khuya, dậy sớm quá…hoặc làm việc trong môi trường ô nhiệm, độc hại.

 

2. Đụng chạm không thích hợp : Một hình thức lạm dụng thể lỳ khác rất nguy hại. Người lớn có những sự đụng chạm, vuốt ve trẻ không thích hợp, những nơi kín trên thân thể khi trẻ thức hay khi trẻ ngủ. Lợi dụng sự tin tưởng của trẻ để tới gần, ép buộc, hoặc dụ dỗ trẻ phục tùng, vâng theo những gì người lớn bảo. Hoặc dùng quà cáp, bánh kẹo đối với trẻ thơ, để dụ dỗ, ôm ấp, sờ mó…Dùng quyền để dọa không cho trẻ nói lên. Đây là một loại lạm dụng tình dục còn ở mức nhẹ.

 

3.Lạm dụng sức lực và trí tuệ : Có lẽ điều mà người lớn coi là bình thường lại gây thiệt hai cho trẻ nhiều mặt, đó là bắt ép trẻ học ngày, học đêm, học đến mờ mắt. Nhiều phụ huynh nại vào sự quan tâm đã cho trẻ “ làm việc” quá mức so với sức lực của chúng. Một nghiên cứu của TP.HCM cho thấy một trong nhưng ước mơ hàng đầu của tuổi học sinh bây giờ là NGỦ.Một nhu cầu rất cơ bản chẳng khác gì  thức ăn và khí trời. Trẻ không có giờ để nghỉ ngơi, vui chơi, chuyện trò… đi lại, ăn uống luôn vội vã, tạo cho trẻ sự căng thẳng thường xuyên, hại đến sức khoẻ tinh thần và tâm lý của trẻ. Áp lực của việc học, sự thúc hối của cha mẹ, luôn đè nặng làm cho trẻ sống trong âu lo, nặng nề, sợ sệt. Sợ không thuộc bài, sợ không theo kịp chúng bạn, sợ bị la mắng, sợ cha mẹ buồn…Những nỗi sợ ấy đã bào mòn sinh lực và sức khoẻ của trẻ trên nhiều mặt. Thật chẳng ngoa khi có quan điểm cho rằng, nhiều phụ huynh đã “đánh cắp” hay hủy diệt tuổi thơ của con em mình.

 

4.Dùng trẻ như một “dụng cụ”. Trong gia đình bất hoà, người lớn đã dùng trẻ như một “vật hy sinh”  mỗi khi cha mẹ có chuyện xích mích, bà hết đem con đi, rồi lại đến ông. Mỗi khi hai người giận dỗi, thường dùng trẻ như con thoi đưa tin hay liên lạc viên giữa bố mẹ. Cũng thế khi có chiến tranh lạnh giữa hai người, khi không nói chuyện được với nhau. Dùng trẻ như một đối tượng tranh chấp, hôm nay thuộc về mẹ, mai lại thuộc về cha. Trẻ sẻ bất an, hoang mau về số phận, về vai trò của mình trong gia đình. Những thái độ này sẽ vừa làm tổn thương cả thể lý lẫn tâm lý.

 

Lạm dụng về mặt tâm lý.

 

1.Mặc cảm xúc : Thiếu công bình trong cách đối xử, nâng, tâng bốc trẻ này lên hoặc hạ trẻ khác xuống. Hăm he, doạ nạt, lớn tiếng, gắt gỏng, mỉa mai, nhạo báng, tổn hại đến lòng tự trọng và làm cho trẻ lo sợ, cũng như thấy mình là một người không ra gì. Coi thường, khinh khi, không lắng nghe đủ, hoặc ngờ vực, hững hờ, không đáp ứng những nhu cầu, nhất là nhu cầu yêu thương.

 

2.Tạo sự lệ thuộc : Lợi dụng tình thương của trẻ đối với mình để sai khiến, bắt ép trẻ làm những gì mình muốn, sai bảo trẻ phục vụ mình. Hoặc lợi dụng nhu cầu cần tình thương của trẻ. Tạo sự lệ thuộc để điều khiển trẻ. Doạ cắt mắt tình thương, và sự nâng đỡ tinh thần hay vật chất. Nhiều trẻ rất muốn chứng tỏ tình thương của mình đối với người lớn. Người lớn lại dựa trên đó để lèo lái cuộc đời trẻ theo ý mình, ngược lại với bản tính, ước mơ và sở thích của trẻ. Ép con học hay làm những gì cha mẹ muốn.

 

 

3.Thái độ thiếu tôn trọng: Coi thường, không quan tâm đến sự hiện diện, ước muốn và cá tính riêng. Nhiều khi xâm phạm sự riêng tư của con em như : Đọc lén nhật ký, nghe lén điện thoại. Cấm đoán những chuyện không cần thiết. Thái độ coi thường, xem trẻ không biết gì. Làm mất mặt trẻ trước mặt người khác, nhất là bạn bè của chúng.

 

4.Lạm dụng ngôn từ : Nói năng bừa bãi, dùng những lời thô tục trước mặt trẻ, chọc ghẹo mang tính hạ thấp giá trị trẻ. Cười nhạo những khuyết điểm thể chất hay tinh thần của chúng. Ví dụ : gọi trẻ là lé, lùn, hô, dốt, đần, thộn…Đặt những “biệt hiệu”  làm trẻ xấu hổ với bạn. Những câu la mắng như “ mày là đồ không ra gì “ “ con mà biết gì”” sao con ngốc thế”. Những điều mà người lớn tưởng rằng chỉ là đùa giỡn chơi hay vô tình thôi. Nhưng tác hại không nhỏ, vì tạo cho trẻ một cái nhìn tiêu cực về bản thân, thấy mình không có giá trị, mặc cảm…và hệ quả là thiếu tự tin, đánh giá mình thấp, trở nên rụt rè, khép kín. Điều này rất bất lợi cho sự thành đạt và cuộc sống tương lai của trẻ.

 

5.Lạm dụng bằng thái độ : Thờ ơ, chểnh mảng, thiếu quan tâm. Thái độ làm cho trẻ thấy mình thừa thãi, vô dụng, hay là gánh nặng của gia đình. Có những thái độ làm cho trẻ luôn thấy mình hư, xấu, bất tài. Đó là không nhờ trẻ làm gì cả, vì sợ trẻ làm sẽ hư hao, tỏ ra thiếu tin tưởng khi giao cho trẻ một việc gì. Thái độ coi thường những cố gắng của trẻ, làm cho chúng bất an, hoang mang không biết nên tin tưởng ai. Hay càu nhàu, gắt gỏng mỗi khi thất bại, làm cho trẻ cứ tưởng rằng chúng là nguyên nhân của những chuyện chẳng lành của bố mẹ.

 

6.Trút gánh nặng của mình trên con em : Nói hay chia sẻ, có khi cằn nhằn, than vãn với con về gánh nặng của mình, khó khăn hoặc thất bại trong chuyện làm ăn, tình cảm, chuyện ray rứt lương tâm… trong lúc trẻ chưa đủ sức để hiểu, để mang gánh nặng của cha mẹ. Rót vào tai con những điều mà chúng chẳng hiểu. Hệ quả là tâm trí trẻ luôn thấy nặng nề, bi quan, lo lắng có khi hận đời hay hận luôn cả bố hoặc mẹ…Trẻ được biết đời và chuyện đời quá sớm so với tuổi tác, biến trẻ thành những ông cụ, bà cụ non. Tạo cho trẻ có một cái nhìn lệch lạc về bố hoặc mẹ, và về cuộc đời.

 

Tất cả những hình thức trên đây đều để dấu ấn lâu dài trên cuộc đời con em. Làm ảnh hưởng đến cách nhìn, sự đánh giá về bản thân, tha nhân và cuộc đời. Những tổn thương do bị lạm dụng sẽ nhẹ nhất là làm ô nhiễm cuộc đời trẻ, xa hơn là tạo nên những nhân cách lệch lạc, méo mó. Quan trọng hơn là sẽ tạo những cuộc đời bệnh hoạn. Nhưng các bậc phụ huynh, khi nhìn lại bản thân hay những thành viên trong gia đình chẳng may đã trải qua những hình thức bị lạm dụng, tự tìm cách giải gỡ hay tìm sự giúp đỡ để lấy lại một cuộc sống bình an, nhẹ nhàng, vui tươi và lành mạnh.

 

Nt. M. Thécla Trần Thị Giồng

Dòng Đức Bà

Mục lục

 

HÔN NHÂN LÀ TRƯỜNG ĐÀO LUYỆN
SỰ TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỨC TIN

Hy Mã Lạp Sơn là kỳ quan vĩ đại nhất thế giới. Các nhà địa chất học tin rằng, dãy núi này được tạo thành từ sự va chạm giữa lục địa Ấn Độ và vùng Âu-Á. Hiện nay hai lục địa này vẫn tiếp tục va chạm nhau và mỗi năm xích lại gần nhau khoảng 10cm. Lục địa Ấn Độ vẫn tiếp tục di chuyển về phía trong và nâng mạn Nam của lục địa Âu-Á lên. Thiên nhiên hùng vĩ được tạo thành từ sự va chạm ấy. Giả như không có sự va chạm ấy giữa hai lục địa thì có lẽ Hy Mã Lạp Sơn sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Không có sự va chạm giữa các lục địa, thế giới sẽ chỉ là một cảnh trí độc điệu buồn chán.

Cũng thế, những va chạm trong đời sống hôn nhân có thể tạo thành những mối quan hệ tốt đẹp. Vẻ đẹp thường phát sinh từ những phấn đấu. Vẻ đẹp của đời sống hôn nhân chính là từ những va chạm và xung đột, nó tôi luyện ý chí con người và làm cho niềm tin được trưởng thành.

Giám mục kiêm văn sĩ François Fenelon của Pháp đã viết như sau: “Chúng ta càng sợ đau khổ thì chúng ta cần phải đau khổ hơn”. Đau khổ là thành phần thiết yếu của đời sống Kitô. Một đời sống được khuôn rập theo chính đời sống của Chúa Kitô. Đấng đã đau khổ hơn bất cứ ai vì hiến thân phục vụ Thiên Chúa và con người. Thật khó mà theo Chúa Kitô thực sự, nếu không bước vào con đường khổ chế. Một số rất ít xé bỏ hôn ước chỉ vì họ thấy cuộc sống hôn nhân quá dễ dãi. Đa phần cặp đổ vỡ chỉ vì họ không muốn chịu đựng những khó khăn của đời sống lứa đôi. Khuynh hướng muốn trốn tránh khó khăn khiến người tín hữu không bao giờ trưởng thành đức tin. Khó khăn và chiến đấu làm cho con người thêm vững mạnh trong nhân cách và đức tin.

Kinh thánh đầy dẫy những trang đề cao sự chiến đấu gian khổ của con người. Từ tổ phụ Abraham đến Giacóp, Giuse, Môisen và bao nhiêu những khuôn mặt vĩ đại khác. Tất cả đều phải trải qua những thử thách nặng nề trong đời sống đức tin. Trước khi vào Đất Hứa, dân Do Thái cũng phải băng qua biển đỏ của khó khăn và lang thang 40 năm trong sa mạc đầy thử thách. Nhưng tuyệt đỉnh của mọi thử thách và chiến đấu vẫn là Thập giá của Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa không bảo vệ các tín hữu Kitô được miễn nhiễm trước những khó khăn và vấn đề của cuộc sống, nhưng Ngài giúp đở họ vượt qua thử thách một cách can trường và vẻ vang. Nếu cuộc sống hôn nhân có nhiều chông gai và thử thách thì có lẽ vợ chồng nên quỳ gối cám ơn Chúa vì đã ban cho họ cơ may hiếm có để trưởng thành trong đức tin.

Thiên Chúa không tạo dựng con người như những người máy hoàn hảo. Ngài tạo dựng họ với những giới hạn và khuyết điểm, để họ phải chiến đấu và nhờ chiến đấu mà sống còn. Đó là nét đẹp tuyệt vời trong nhân cách. Thách đố là điều cần thiết để giữ cho đời luôn tươi đẹp. Nhưng để làm một cuộc chiến có ích lợi, cuộc chiến ấy cần phải có mục đích. Hai người không làm gì, nhưng chỉ biết đánh nhau và cố tình hành hạ nhau, một cuộc chiến như thế là điều vô nghĩa và vô ích. Chỉ khi nào biết đặt vào trong niềm tin và với mục đích giúp nhau nên người, cuộc chiến trong hôn nhân mới trở thành một cuộc chiến có ích và có ý nghĩa.

Chúa Kitô xem cuộc chiến đấu hằng ngày của cuộc sống là trọng tâm của đời sống Kitô hữu. Ngài nói: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác Thập giá mình hằng ngày và đi theo Ta”. Một cuộc sống như thế xem ra không phải là lý tưởng cho con người thời đại.

Ngày nay những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật ngày càng mang lại tiện nghi vật chất và càng làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Y khoa đã tiến bộ đến độ mở ra viễn tượng sẽ không còn đau đớn trong thân xác nữa. Các tiện nghi vật chất dễ ru ngủ con người vì làm cho họ nghĩ rằng, cuộc sống phải được dễ dàng và phải luôn được dễ dàng. Do đó, khi gặp khó khăn, con người dễ bỏ cuộc và buông xuôi. Và dĩ nhiên, trốn tránh khó khăn con người cũng mất cơ may rèn luyện nhân cách và lớn lên trong niềm tin.

Thật là ngây ngô khi nghĩ rằng, lời thề hứa chung thủy với nhau trong nghi thức Hôn phối là một bước dễ dàng. Thật ra, thề thốt là đã tự thú nhận rằng chung thủy với nhau không phải là điều dễ dàng. Sở dĩ con người thề thốt yêu nhau cho đến chết là bởi vì con người không bao giờ bảo đảm được lòng chung thủy của nhau, nếu không thì chẳng cần phải thề thốt làm gì. Chúng ta chẳng cần phải thề thốt sẽ nuôi dưỡng thân xác bằng thức ăn, hay ăn mặc cho chỉnh tề.

Đi vào cuộc sống hôn nhân là đi vào thử thách. Sống đời vợ chồng là chấp nhận những cọ sát và va chạm. Nghi thức hôn phối đã báo trước điều đó khi buộc hai người phối ngẫu phải cam kết yêu nhau trong những lúc gặp hoạn nạn khổ đau. Nhưng chính trong và nhờ chiến đấu, con người mới trở nên cao quý hơn.

Một trong những thách đố lớn nhất mà hai người phối ngẫu phải đương đầu chính là phải dưỡng dục con cái. Để có thể dạy dỗ con cái nên người thì trước tiên cha mẹ cũng phải cam kết nên người đã. Con đường nên người ấy sẽ không bao giờ chấm dứt, bỡi vì đau khổ và chiến đấu vẫn mãi tồn tại bao lâu con người còn sống. Không đi tìm đau khổ và cũng chẳng đề cao đau khổ, nhưng người tín hữu Kitô trưởng thành luôn nhận ra khía cạnh dịu dàng của đau khổ.

Trong thư II gởi giáo dân Corintô, thánh Phaolô viết rằng: “ Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời” (2Cor 4,17). Chính vì niềm hy vọng nơi cuộc sống vĩnh cửu mà các tín hữu Kitô không trở thành thiển cận để đi vào vinh quang bất diệt bằng con đường dễ dãi.

Cuộc sống hôn nhân tự nó không phải là một con đường dễ dãi, hay đúng hơn một cuộc sống hôn nhân tốt đẹp không phải là điều có sẳn. Nó là một kho tàng mà hai người phải dầy công phấn đấu để tìm kiếm và xây dựng với công lao mồ hôi nước mắt và ngay cả đắng cay chua xót khổ lụy. Muốn có được một cuộc sống hôn nhân tốt đẹp, người phối ngẫu Kitô phải từ bỏ mình vác lấy Thập giá và bước theo Chúa Kitô mỗi ngày. Đây là cả một công trình đòi hỏi nhiều hy sinh phấn đấu vậy.

Mai Hương

Radio Veritas

 

ĐỌC SÁCH

DẤU CHÂN CỦA THẦY

 

 (Lc 13,31-33)

 

Thầy kính mến,

Có một nữ tu hỏi con rằng: “Chúa rất hiền từ, rất bao dung đối với tội nhân. Thế nhưng tại sao Chúa lại khinh ghét vua Hêrôđê và gọi ông ấy là con cáo già?” Con cứng họng không trả lời được. Đành chịu thua 1-0. Qua hơn hai mươi năm rồi, con vẫn chưa san bằng được tỉ số. Hơi buồn một tí. Nhưng dù sao con cũng tìm được một số tài liệu để thấy Thầy và Hêrôđê.

1. Cả ba thánh ký Tin Mừng Nhất Lãm đều cho biết Hêrôđê đánh giá Thầy rất cao. Thậm chí còn coi Thầy là một Gioan Tẩy Giả đã sống lại (Mc 6,16). Không những đề cao Thầy, ông còn tìm dịp để gặp Thầy (Lc 9,9). Khi được Philatô chuyển Thầy qua tòa án của ông, ông mừng quá (Lc 23,8).

2. Hêrôđê chưa gặp được Thầy, nhưng ông đã được nghe biết tất cả những lời Thầy nói và việc Thầy làm. Tại sao ông biết? Con cho rằng bà Gioanna là người đã cung cấp cho triều đình Hêrôđê mọi thông tin về Thầy. Bà là vợ của ông Khugla, quản lý của vua Hêrôđê. Bà từng tháp tùng truyền giáo với Thầy. Bà là mạnh thường quân của đoàn truyền giáo (Lc 8,3). Bà thấy, bà nghe, bà yêu, thì bà sẽ nói hết không bỏ sót một chi tiết nhỏ. Đó là quy luật của con tim và cái miệng của phụ nữ.

3. Hêrôđê Antipas là con của Hêrôđê Cả, là em của tiểu vương Philip. Khi Hêrôđê chết thì quyền hành của ông bị chia nhỏ ra. Philip là anh, nhưng không khôn khéo nên chỉ đươc chánh quyền La Mã cho làm tiểu vương miền Hurê và Trancônitiđê, hai tỉnh Đông – Bắc nghèo nàn. Còn Hêrôđê Antipas thì khéo luồn lọt nên được nắm quyền hành chính hai tỉnh đông dân cư và trù phú, đó là tỉnh Galilê và Pêrê. Đúng là con cáo già thật.

Ngoài cái bẩm chất cáo già, Hêrôđê còn đểu cáng nữa. Lợi dụng thời gian ông anh (Philip) qua Rôma để khiếu nại về sự thua kém của mình, Hêrôđê đã phổng Hêrôđia, vợ của ông anh đem về làm vợ của mình. Cứ tỉnh bơ như lượm của rơi ngoài đường. Trơ tráo thật! Chuyện trơ tráo này, bàn dân thiên hạ đều biết. Nhưng chẳng ai dám hé răng, dám dại mồm dại miệng để mang vạ vào thân. Nhưng … với sứ ngôn Gioan thì không có vấn đề vạ mồm. Làm sứ ngôn thì lẽ phải và chân lý phải lớn hơn mạng sống. Thế là ông vào ngay triều đình, tuyên bố thẳng thừng: “Ong không được phép cướp vợ của người anh”. Hêrôđê giận dữ – Hêrôđia giận điên lên. Thế là sứ ngôn khả kính lặng lẽ chui vào ngục thất, coi cái chết nhẹ hơn lông hồng.

Matthêu bảo rằng Hêrôđê không dám giết Gioan, vì sợ dân (Mt 14,5). Máccô thì bảo rằng chỉ có Hêrôđia căm thù và muốn giết Gioan thôi, còn Hêrôđê thì nễ sợ và muốn che chở cho Gioan (Mc 6,20) – Con không đồng ý với Máccô. Con theo ý kiến của Matthêu vì nó gần với thực tế hơn. Hêrôđê là một chính trị gia thủ đoạn đểu cáng và bẩn thỉu. Ong nịnh bợ đế quốc để có một nồi cơm không to và một cái ghế nhỏ xíu. Ong đá đít ông anh để chôm cô chị dâu nạ dòng đã có một đứa con gái đương tuổi “ô mai”. Nhỏ mọn! Đứa con gái này có tên là Salomê – Hắn được mẹ đạo diễn tài tình, đến mức độ, sau một màn múa tuyệt vời, hắn đã xin Hêrôđê cho hắn một phần thưởng kinh dị, đó là cái đầu của sứ ngôn Gioan Tẩy Giả. Thế là cái đầu của Gioan đẩm máu nằm gọn trên mâm, được trao tặng cho diễn viên xuất sắc Salomê. Oi, kinh tởm đến ói mửa! Một ông vua ma quỷ, coi cái đầu của nhân dân, cái đầu của một nhà tu hành không bằng một cái củ chuối. Phải có một ngàn đời để nguyền rủa! Một vạn thế hệ vẫn chưa hết buồn nôn!

 4. Hôm ấy bọn Pharixêu mượn danh Hêrôđê để đuổi khéo Thầy.

Xin ông rời khỏi nơi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông đấy.

Các ông hãy đi mà nói với con cáo già ấy rằng: Hôm nay và ngày mai (tôi chưa đi đâu) tôi còn phải trị bệnh và trừ quỷ. Ngày mốt tôi mới hoàn tất. (Nghĩa là ngày mốt tôi mới đi. Tôi đi không phải vì tôi sợ các ông, mà vì tôi phải hy sinh tại thủ đô để hoàn tất công trình cứu độ của tôi).

Thầy gọi Hêrôđê là con cáo già. Chẳng biết Thầy có khinh dễ ông ấy hay không. Nhưng chắc chắn một điều: ông ấy là cáo già thật và còn hơn cáo già nữa. Chỉ tiếc một điều là tự điển của loài người chưa có hình dung từ nào diễn tả được cái bẩm chất ấy của Hêrôđê. Họa chăng phải biến đại danh từ Hêrôđê thành hình dung từ hêrođê thì mới vẽ được cái chân dung của Hêrôđê ấy.

5. Tổng trấn Philatô không dám ngồi tòa xét xử Thầy, vì bà vợ có lời nhắn nhủ (nhắn nhủ như răn đe): Ong đừng nhúng tay vào vụ xử người hiền thánh này, vì đêm qua tôi chiêm bao, tôi thấy mình phải khổ quá chừng vì ông ta (Mt 27,19). Do đó, Philatô tìm mọi cớ để đùa vụ này đi. May quá, ông biết Thầy là người Galilê, thuộc  thẩm quyền hành chánh của vua Hêrôđê. Mà vua Hêrôđê lại đang có mặt ở Giêrusalem. Mững quá! Ong cho dẫn độ Thầy qua tòa xử của Hêrôđê. Hêrôđê cũng mừng quá vì nay mới được gặp Thầy. Ong cũng vui quá vì được Tổng trấn đối xử tế nhị đến thế. Nhưng … ông bị hẫng. vì Thầy cứ đứng trơ ra đó như một người câm, một người điếc. Bọn Do Thái tố điêu, Thầy làm thinh. Hêrôđê chất vấn. Thầy cũng làm thinh. Ong bị sốc. Ong cảm thấy bị coi thường. Ong thôi kính trọng Thầy. Ong thôi muốn gặp Thầy. Ong cho dân độ Thầy trả về cho Tổng trấn. Ong coi Thầy như một thằng khùng …

Thầy kính mến.

Đối với Philatô dường như Thầy có một chút kính trọng. Thầy im lặng hoàn toàn trước những lời xuyên tạc của người Do Thái, nhưng Thầy có nói vài ba câu với cá nhân ông Philatô. Còn đối với Hêrôđê thì Thầy “tịnh khẩu” hoàn toàn. Tại sao lại có sự khác biệt này? Con ngẫm nghĩ:

Philatô là một Tổng trấn. Tổng trấn là một quyền bính. Quyền bính do Trời ban (Ga 19,11) để phục vụ con người. Philatô chưa thực hiện được lý tưởng ấy vì ông coi cái nồi và cái ghế quan trọng hơn chân lý và lẽ phải. Nhưng ông vẫn còn một chút lương tâm le lói. Ong xác nhận Thầy vô tội và muốn thả Thầy. Ong tìm cách để tha Thầy, nhưng ông bất lực. Ong yếu đuối và tỏ ra lúng túng trước sức mạnh của sự Ac – Đáng khinh nhưng cũng đáng tội nghiệp.

Hêrôđê là một tiểu vương. Tiểu vương là một quyền bính. Nhưng quyền bính này chả có chút ý niệm gì về công lý và con người. Lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả để làm quà tặng cho một diễn viên có tài đã nói lên tất cả cái quyền bính sai lầm mà Hêrôđê chỉ là một bằng chứng. Thầy im lặng tuyệt đối trước tòa án của Hêrôđê. Thầy gọi Hêrôđê là con cáo già, thì Thầy không thèm nhắm cái cá nhân bé nhỏ của Hêrôđê. Thầy khinh dễ và không thừa nhận cái quyền bính phi nhân bản. Hêrôđê chỉ tồn tại trên ngai từ năm 4 trước khi Thầy ra đời cho tới năm 39 sau khi Thầy sinh. Còn quyền hành phi nhân bản thì vẫn còn tồn tại từ thuở nào cho đến bây giờ và mãi mãi. Cái im lặng tuyệt đối của Thầy trước tòa án Hêrôđê phải tồn tại mãi để nói cho loài người biết rằng quyền bính chỉ có lý do tồn tại khi nó biết phục vụ cho chân lý và lẽ phải.

 

Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU